|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thu học phí bằng bitcoin, Đại học FPT có thể bị phạt 200 triệu đồng

07:53 | 28/10/2017
Chia sẻ
Nói về vi phạm mới đây của trường đại học FPT khi chấp nhận thanh toán học phí bằng bitcoin, tiền ảo, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: Đồng tiền Bitcoin chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận là đồng tiền hay phương tiện thanh toán hợp pháp. Vi phạm có thể bị phạt từ 150 đến 200 triệu đồng.
thu hoc phi bang bitcoin dai hoc fpt co the bi phat 200 trieu dong

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Basico

Như Nhadautu.vn đã đưa, trong một phát ngôn mới đây, Chủ tịch Đại học FPT TS. Lê Trường Tùng cho biết, Đại học FPT chấp nhận sinh viên nộp học phí bằng bitcoin.

"Trước mắt, trường áp dụng thu học phí bằng bitcoin đối với sinh viên ngoại, và khuyến khích sinh viên nội", TS. Lê Trường Tùng cho hay.

Ông Tùng cho rằng, sinh viên ngoại quốc vẫn nộp học phí bằng ngoại tệ. Như vậy xét về mức độ rủi ro có thể thấy rằng ngoại tệ và bitcoin là như nhau.

Nếu đúng là trường đại học FPT thu học phí bằng bitcoin thì đây sẽ là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam, hay đúng hơn là tổ chức đầu tiên tại Việt Nam dám "công khai" việc sử dụng bitcoin - tiền điện tử làm phương tiện thanh toán, bởi luật pháp của Việt Nam không cho phép việc này.

Trả lời về trường hợp của FPT thu học phí bằng bitcoin, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico, cho biết: "Đồng tiền bitcoin chưa được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa nhận là đồng tiền hay phương tiện thanh toán hợp pháp. Vì vậy, việc sử dụng đồng tiền này để thanh toán nói chung và trả học phí nói riêng là bất hợp pháp và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính".

Theo luật sư Đức, cũng cần phải nói thêm, giao dịch thu học phí khác với các hợp đồng dân sự trao đổi hàng hóa, tài sản theo quy định tại Điều 455 về “Hợp đồng trao đổi tài sản” của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Khoản 2, Điều 28 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 về "Tổ chức, quản lý, vận hành, giám sát hệ thống thanh toán quốc gia”, quy định như sau:

"Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc quản lý các phương tiện thanh toán trong nền kinh tế”.

Khoản 6, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ”, Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về “Thanh toán không dùng tiền mặt”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định như sau:

"Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước”.

Khoản 6, Điều 6 về "Các hành vi bị cấm", Nghị định số 101/2012/NĐ-CP quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm là: "Sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.

Cuối cùng, Điểm D, Khoản 6, Điều 27 về "Vi phạm quy định về hoạt động thanh toán", Nghị định số 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ về "Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiển tệ và ngân hàng", quy định phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm “sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp”.

Như vậy, vi phạm của trường đại học FPT có thể bị xử phạt hành theo quy định ở mức từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng.

thu hoc phi bang bitcoin dai hoc fpt co the bi phat 200 trieu dong ĐH FPT chấp nhận thu học phí bằng Bitcoin

Trong một thông báo trên mạng xã hội tối 26-10, ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch trường ĐH FPT cho biết trường "chấp nhận cho ...

Nguyễn Thoan

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.