Thói xấu của con người đang phá hoại nền kinh tế chia sẻ
Mấy hôm trước, báo South China Morning Post đăng một bài về sự kỳ quặc của khách hàng trong nền kinh tế chia sẻ. Trong bài báo, tác giả kể câu chuyện Sharring E Umbrella - một công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc - tung ra dịch vụ cho người dân đô thị thuê ô. Nhưng công ty hứng chịu cú sốc lớn khi hơn 300.000 ô mất tích ngay trong vài tháng đầu. Để thuê ô, khách hàng phải đặt cọc số tiền tương đương khoảng 70.000 đồng. Giá thuê ô là 4.000 đồng cho 30 phút.
Sharring E Umbrella mất 300.000 chiếc ô chỉ trong vài tuần đầu tư khi bắt đầu kinh doanh. Đây là một thất bại dễ hiểu trong nền kinh tế chia sẻ. Ảnh: China Daily |
Chúng ta có thể thấy rằng, mỗi khi trời mưa hay nắng gắt, người dân đô thị luôn muốn có ngay ô để sử dụng. Nhưng khi về nhà, họ để ô vào chỗ nào đó và quên chúng nếu trời không mưa hay nắng khi họ ra khỏi nhà vào hôm sau. Vài ngày sau, rất có thể họ vẫn quên. Cuối cùng, họ từ bỏ ý định trả lại ô.
Dường như Sharring E Umbrella đã quá tin tưởng khách hàng, trong khi chúng ta đều biết tính ích kỷ, tham lam là một phần bản chất con người.
May mắn thay, tổn thất của Sharing E Umbrella không khiến họ chùn bước. Ban lãnh đạo công ty tuyên bố họ sẽ tiếp tục mở rộng mô hình và tung ra 30 triệu ô trong năm 2018. Mặc dù vậy, sự việc mất ô cho thấy một nguy cơ lớn và dai dẳng đối với nền kinh tế chia sẻ.
Giai thoại ấy cũng cho thấy một thực tế: Trong bối cảnh “kinh tế chia sẻ” trở thành từ thường trực trong cuộc sống của chúng ta và bắt đầu lan tỏa khắp các mảng kinh doanh, có lẽ chúng ta đã coi nhẹ nhân tố con người. Về bản chất, chúng ta không đáng tin. Phần lớn chúng ta không vị tha và thường hành xử ngốc nghếch.
Nền kinh tế chia sẻ có quy mô khổng lồ. Một nghiên cứu gần đây do Quỹ Quản lý Tài sản Merrill Lynch (Mỹ) cho thấy giá trị của nó vào khoảng 250 tỷ USD và con số đó đang tăng nhanh. Mọi người đều hiểu lý do khiến kinh tế chia sẻ phát triển mạnh. Nó giúp chúng ta tận dụng tài sản mà chúng ta không sử dụng hoặc sử dụng không hết công suất, giúp chúng ta tiết kiệm thời gian và tiền.
Hàng loạt rắc rối pháp lý mà Uber đối mặt gần đây có thể là hậu quả của sự tăng trưởng quá nhanh. Ảnh: Cnet |
Chúng ta muốn dịch vụ tốt nhất với giá thấp nhất bằng cú nhấp chuột. Vì thế, những ứng dụng chia sẻ ô tô (như Uber), nhà (AirBnB), không gian làm việc (WeWork) và giải trí (Spotify) đã ra đời.
Khi các dịch vụ bùng nổ, nguy cơ tổn thất cũng tăng. Mới đây, Tân Hoa Xã đưa tin một công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc phải tạm thời đóng hàng loạt buồng ngủ trưa di động dành cho công nhân ở các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải và Thành Đô, do lo ngại chúng có thể trở thành nơi ẩn náu của tội phạm.
Rachel Botsman, tác giả của cuốn sách “Sự trỗi dậy của Tiêu dùng tập thể”, từng nhận định nhân loại đang chứng kiến sự dịch chuyển mạnh từ “sở hữu và chi tiêu cá nhân” sang “sở hữu và chi tiêu tập thể”.
Tuy nhiên, về mặt tư duy, con người thực sự không quan tâm tới những vật chung, những thứ thuộc sở hữu tập thể. Chúng ta chỉ muốn tối đa hóa tài sản riêng và lợi ích cá nhân. Vì ham một chuyến du lịch rẻ, nhiều người sẵn sàng bỏ qua mọi quy tắc an toàn để sử dụng dịch vụ của một công ty chưa có uy tín. Để hưởng mức cước thấp hơn taxi truyền thống, nhiều người sẵn sàng đặt xe Uber mà không nghĩ tới việc tài xế trung thực, đáng tin, cẩn thận hay không.
Nhu cầu ngày càng tăng của loài người đối với cuộc sống dễ dàng đang thúc đẩy sự trỗi dậy của những dịch vụ mới. Sự trỗi dậy ấy nhanh đến nỗi chúng ta quên nhu cầu cơ bản: Sự bảo vệ và trật tự.
Có lẽ bằng chứng nổi bật nhất cho tình trạng mất kiểm soát dịch vụ là Uber, hãng cung cấp dịch vụ đặt xe trực tuyến. Nhiều hành khách khiếu nại hành vi tấn công tình dục do tài xế hợp tác với Uber thực hiện. Phải chăng đó là hậu quả của việc Uber phát triển quá nhanh?
Tuần trước, một phụ nữ sử dụng dịch vụ đặt phòng qua AirBnB kiện công ty vì chủ nhà tấn công tình dục. Nguyên đơn khẳng định AirBnB đã không kiểm tra tư cách của chủ nhà trước khi đăng thông tin của anh ta lên trang web. Người phát ngôn của AirBnB nói rằng công ty đã kiểm tra và nhận thấy anh ta không có tiền án, tiền sự.
Nền kinh tế chia sẻ buộc chúng ta phải đặt nhiều câu hỏi về quyền lao động, phúc lợi, sự lạm dụng, tiêu chuẩn và sự quản lý. Nhưng có lẽ vấn đề lớn nhất đối với một số doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế chia sẻ là mô hình kinh doanh của họ dựa trên sự tin tưởng. Vì tăng trưởng quá nhanh, có lẽ họ đã quên mất điều ấy.
* Bài viết thể hiện quan điểm của Josie Cox, một nhà báo của tờ Independent