|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Thoái vốn ông lớn ngành xây dựng: Cẩn thận củi lửa

14:54 | 13/10/2017
Chia sẻ
Cổ phần hoá, thoái vốn là chủ trương đúng đắn, song cần giám sát chặt chẽ để tránh vốn nhà nước bị thâu tóm với giá rẻ.
thoai von ong lon nganh xay dung can than cui lua

Cổ phần hoá, thoái vốn là chủ trương đúng đắn, song cần giám sát chặt chẽ để tránh vốn nhà nước bị thâu tóm với giá rẻ (Ảnh: Minh họa).

Chưa bao giờ không khí cổ phần hoá, thoái vốn tại các thành viên Bộ Xây dựng lại sôi động như năm nay. Theo Quyết định 1232/QĐ/TTg ban hành ngày 17/8/2017, từ năm 2017-2020, Bộ Xây dựng sẽ phải thoái hầu như toàn bộ vốn tại các công ty cổ phần thành viên.

Trong đó, năm 2017 sẽ phải giảm tỷ lệ sở hữu tại 5 Tổng công ty xuống còn 51% gồm: Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp); Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng; Tổng công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN) và Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) và Tổng công ty tư vấn xây dựng Việt Nam (VNCC); ngoài ra phải thoái toàn bộ vốn còn lại ở Tổng công ty CP Sông Hồng; Tổng Công ty Xây dựng Số 1(CC1) và Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1(FICO).

Năm 2018 sẽ tiến hành thoái tiếp vốn tại 8 đơn vị, trong đó thoái toàn bộ tại 6 tổng công ty: Tổng công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng (DIC), Xây dựng Hà Nội, Xây dựng Bạch Đằng, VIWASEEN, COMA, VNCC và thoái về 51% đối Tổng công ty Lilama, thoái về 36% đối Tổng công ty Viglacera. Năm 2019, thoái toàn bộ vốn nhà nước tại Tổng công ty Lilama (51%) và Tổng công ty Viglacera (36%).

Trước đó, tại Quyết định 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016, 4 “ông lớn” còn lại của Bộ Xây dựng là Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam (IDICO) cũng sẽ phải tiến hành cổ phần hoá và thoái xuống dưới 50% vốn nhà nước từ nay tới năm 2020.

Phần lớn trong số 16 tổng công ty của Bộ Xây dựng hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, và bởi vậy có quy mô rất lớn, nắm giữ quỹ đất rộng khắp trải dài từ Bắc vào Nam, với tổng tài sản lên tới hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đồng.

Chủ trương thoái vốn khỏi các tổng công ty quốc doanh trong ngành xây dựng là đúng đắn, giúp cải thiện ngân sách, đồng thời thổi một luồng sinh khí mới vào các thành viên Bộ Xây dựng, vốn gắn liền với hình ảnh chậm chạp, nặng nề trước sự vươn lên không ngừng của khối kinh tế tư nhân.

Dù vậy, với đặc thù sở hữu nhiều nguồn lực, trong đó có đất đai, quá trình cổ phần hoá, thoái vốn cần được giám sát chặt chẽ, tránh vốn nhà nước bị thâu tóm rẻ mạt, mà không ít vụ việc vừa qua, theo quan sát của người viết, có thể là lời cảnh báo.

Lỗ thật, lỗ giả

Năm 2016, năm chính thức hoạt động theo mô hình cổ phần, Tổng công ty Licogi báo lỗ 437 tỷ đồng - một con số gây “shock” giới đầu tư khi doanh nghiệp này hoạt động không hề tồi giai đoạn trước đó, mỗi năm lãi trên trăm tỷ đồng. Nguyên nhân được ban lãnh đạo Licogi đưa ra là do phải trích lập dự phòng từ các khoản nợ, phải thu từ thời là doanh nghiệp nhà nước.

Nếu lời “thanh minh” của Licogi là đúng, vậy hoá ra phải truy cứu tới trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc định giá, kiểm toán tổng công ty này trong quá trình cổ phần hoá?! Bài viết chưa bàn tới điểm này, mà sẽ đề cập tới một góc khuất khi thoái vốn nhà nước ở Licogi nói riêng và các doanh nghiệp xây dựng nói chung, là nguy cơ bị thâu tóm giá rẻ.

Trong báo cáo tài chính năm 2016, hãng kiểm toán uy tín PwC đã “bêu tên” nhiều bút toán làm giảm lợi nhuận, tăng chi phí của Licogi, trái với Chuẩn mực kế toán Việt Nam; qua đó phần nào hé lộ điều gì đang diễn ra ở Licogi.

Trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào tháng 4/2015, 21,27 triệu cổ phần Licogi được mua với giá 10.006 đồng, cao hơn vẻn vẹn 6 đồng so với mệnh giá. Trước đó, 35% vốn, tương đương 31,5 triệu cổ phần đã được bán cho nhà đầu tư chiến lược - Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh bất động sản Khu Đông với mức giá theo phương án cổ phần hóa được phê duyệt là 315 tỷ đồng, cũng chỉ bằng mệnh giá. Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, phần lớn các cá nhân mua vào cổ phần Licogi trong đợt IPO tháng 4/2015 đều có liên quan đến cổ đông chiến lược Công ty Khu Đông.

thoai von ong lon nganh xay dung can than cui lua

Tổng công ty Licogi thua lỗ lớn sau cổ phần hoá. Ảnh: Hoa Liên.

Tới giữa tháng 3/2017, các cổ đông cá nhân này bỗng dưng biến mất, thay vào đó là Công ty TNHH Đầu tư Gia Cường, sở hữu 20 triệu cổ phiếu, tương đương 22,24% vốn điều lệ của Licogi. Bởi vậy không khó hiểu khi Công ty Gia Cường hay Công ty Khu Đông đều là “người một nhà”, và trên thực tế cùng là thành viên của một tập đoàn bất động sản mới nổi ở Việt Nam.

Hiện nay, nhóm cổ đông Khu Đông – Gia Cường nắm tỷ lệ chi phối 57,24% tại Licogi. Trong khi đó, phương án phê duyệt cổ phần hóa tổng công ty này chỉ cho phép nhà đầu tư chiến lược nắm giữ tối đa 35% vốn, có nghĩa rằng cơ hội sở hữu Licogi vẫn có thể thuộc về cái tên khác, thông qua hình thức đấu giá công khai, minh bạch, qua đó mang lại lợi ích lớn nhất cho ngân sách.

Còn giờ đây, khi nhóm Công ty Khu Đông - Gia Cường đã nắm tỷ lệ sở hữu quá bán, thì liệu 40,71% vốn nhà nước chuẩn bị thoái tại Licogi có còn hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư khác, hay sẽ tiếp tục dễ dàng bị thâu tóm như cách đây hai năm?! Ở một diễn biến liên quan, Công ty Khu Đông chỉ vài tháng trước đã có văn bản đề nghị mua lại toàn bộ phần vốn nhà nước còn lại trong Licogi. Mức giá không được đề cập, song với tỷ lệ sở hữu áp đảo của nhóm cổ đông lớn, cùng kết quả kinh doanh bết bát, không khó để hình dung về một mức giá rẻ mạt được đưa ra.

Nếu mua lại thành công, nhóm Công ty Khu Đông - Gia Cường sẽ nắm tới 97,95% cổ phần cựu thành viên Bộ Xây dựng, qua đó toàn quyền sở hữu và phát triển một loạt dự án lớn với tổng diện tích hơn 1.500.000 m2, gồm dự án Khu ĐTM Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội (diện tích 351.618 m2); dự án Khu ĐTM Cột 5 - Cột 8 TP Hạ Long, Quảng Ninh (332.828 m2); dự án khu ĐTM Cột 5 - Cột 8 mở rộng (198.603 m2); dự án khu ĐTM Nam Ga - TP. Hạ Long (238.018 m2); dự án Khu dân cư đô thị Yên Thanh - Licogi Yên Thanh Uông Bí, Quảng Ninh (275.672 m2).

Con thôn tính mẹ?

Tại Tổng công ty Sông Hồng, nơi Bộ Xây dựng đang giữ 73,2% vốn, câu chuyện có nét tương đồng với trường hợp của Licogi.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán công bố, Tổng công ty Sông Hồng (SHG) kết thúc năm 2016 với mức lỗ sau thuế 187 tỷ đồng – kết quả tồi tệ nhất kể từ khi cổ phần hóa, đẩy lỗ lũy kế lên 425,5 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu qua đó từ dương 126 tỷ đồng thời điểm đầu năm xuống âm 78,5 tỷ đồng.

Tình hình tại Tổng công ty Sông Hồng bi đát đến mức Bộ Tài chính vừa qua phải phát đi cảnh báo về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này. Dù vậy, theo nguồn tin của Nhadautu.vn, cùng với chủ trương thoái toàn bộ vốn nhà nước, một cuộc chiến ngầm đang diễn ra rất quyết liệt nhằm thâu tóm tổng công ty có tuổi đời hơn nửa thế kỷ.

Ở một sự kiện đáng chú ý, cách đây hơn một năm, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Hồng ông Đặng Tiên Phong đã bị miễn nhiệm, thay thế là ông Trần Huyền Linh, người trước đó là Tổng giám đốc (sau là Chủ tịch HĐQT) CTCP Đầu tư địa ốc Sông Hồng – Sông Hồng Land (dưới thời Trịnh Xuân Thanh).

Nghi Điền