Thoái vốn, cổ phần hóa đang 'dồn' việc cho 6 tháng cuối năm
“Các Bộ, ngành địa phương cần thực hiện hết chức năng, nhiệm vụ, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, công khai minh bạch trong cổ phần hóa để hoàn thành kế hoạch năm 2017.” Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp sơ kết công việc 6 tháng đầu năm của Ban chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới, diễn ra sáng 11/7 tại Trụ sở Chính phủ.
Thảo luận tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) diễn ra chậm, đạt tỷ lệ thấp trong 6 tháng đầu năm. Việc bàn giao các DN sau cổ phần hóa về SCIC cũng chậm, đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán chưa thực hiện nghiêm túc.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp tại cuộc họp sơ kết công việc 6 tháng đầu năm. |
Thượng tướng Bế Xuân Trường, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nêu thực tế, riêng đối với các Tổng công ty sửa chữa trang bị vũ khí Bộ Quốc phòng phải làm thí điểm trước, nếu đồng loạt làm chưa chắc ăn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và nhân rộng.
“Từ 1 nhà máy hình thành Tổng công ty là năng lực quản trị kinh doanh, cho nên việc chuyển đổi phải thật vững chắc vì đây là thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Quan điểm của Bộ Quốc phòng là hòa chung dòng chảy của lịch sử sẽ thực hiện nghiêm túc yêu cầu cổ phần hóa doanh nghiệp trực thuộc”, Thứ trưởng Bế Xuân Trường cho biết.
Thời gian qua, TP HCM chậm nhất trong số các đơn vị khi chưa có DN nào được cổ phần hóa trong danh sách 39 DNNN phải cổ phần hóa của địa phương này tới năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Lê Thanh Liêm cho biết, trong số 39 DNNN phải cổ phần hóa thì đa phần là các công ty công ích (26 công ty, còn lại là 13 công ty mẹ), đang bị chậm thực hiện vì đang xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy phê duyệt phương án cổ phần hóa.
Tuy nhiên, hiện nay các DNNN này đều hoàn thành kiểm kê tài sản, tiêu chí nhà đầu tư chiến lược. Khi Thành ủy phê duyệt thì Thành phố sẽ thực hiện xong trong năm 2018.
Ông Liêm cũng lý giải cần thận trọng trong cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước bởi nếu “tung” ra ồ ạt thì thị trường cũng không thể “tiêu hóa” nổi một lượng lớn tài sản của nhà nước.
Còn Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Doãn Toản cho biết cuối năm nay, thành phố sẽ hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro có giá trị vốn nhà nước là 2.200 tỷ đồng. Một số công ty như Vườn thú Hà Nội, Công ty cây xanh Hà Nội,… có thể phải gối sang năm 2018 mới cổ phần hóa được vì “vướng” định giá vườn cây, con thú…, chờ hướng dẫn của các bộ.
Ông Toản cũng cho biết, hiện nay đang có tư tưởng chờ sửa đổi Nghị định số 59 của Chính phủ về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần để các đơn vị thực hiện cho đỡ rắc rối nên tiến độ chậm.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo chỉ rõ hạn chế là tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn không đạt yêu cầu, mục tiêu, kế hoạch đặt ra, làm “dồn” việc cho 6 tháng cuối năm; hiệu quả hoạt động của khối DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được nắm giữ, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, dự án hoạt động kém, thua lỗ, cơ chế quản trị chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế.
Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân chính là chỉ đạo, điều hành của một số bộ ngành địa phương tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước chưa thật quyết liệt trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn. Đâu đó còn tâm ý thận trọng, chờ đợi, e ngại một số vụ việc trước đây bị thanh tra, kiểm tra, nên có chuyện đùn đẩy, hỏi ý kiến lên tận Chính phủ. Phó Thủ tướng nêu rõ, kinh nghiệm là bộ nào quyết liệt thì chuyển biến tốt, chỗ nào lãnh đạo không quyết liệt công việc trì trệ, kết quả rất hạn chế.
Trên tinh thần này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị, các bộ, địa phương dứt khoát phải phấn đấu để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của năm 2017, thậm chí vượt mức số lượng DN cổ phần hóa, thoái vốn và cả chỉ tiêu thu ngân sách từ thoái vốn theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 04 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Hội nghị trung ương 5 khóa XII về sắp xếp, đổi mới DNNN
“Chúng ta đặt ra mục tiêu dứt khoát phải hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa thoái vốn năm 2017 thậm chí phải vượt mức. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ gắn trách nhiệm của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương tập đoàn tổng công ty với việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước này, xem xét trách nhiệm của lãnh đạo nào trì trệ, chậm trễ không hoàn thành đổi mới sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Tài chính công khai việc xử lý các DN sau cổ phần hóa không đăng ký trên thị chứng khoán; Ban chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ xử lý 12 nhà máy, dự án thua lỗ của ngành Công Thương; các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các kế hoạch thoái vốn, cổ phần hóa thuộc phạm vi mình quản lý.
Trước đó theo báo cáo tại cuộc họp, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước đã hoàn thành cổ phần hóa 6/137 DNNN; công bố giá trị DN và đang xây dựng phương án cổ phần hóa để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt 14 DN, trong đó có những DN có quy mô vốn chủ sở hữu rất lớn như 3 DN thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có tổng giá trị vốn chủ sở hữu gần 90.000 tỷ đồng, 1 DN thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam có giá trị vốn chủ sở hữu khoảng 24.000 tỷ đồng. Đang tiến hành xác định giá trị DN của 20 DN. Như vậy, dự kiến sẽ hoàn thành cổ phần hóa 40 DN trong tổng số 45 DN của kế hoạch năm 2017.