|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Thị trường Mỹ sẽ là lực đỡ cho Vĩnh Hoàn khi dịch được kiểm soát'

09:15 | 07/09/2021
Chia sẻ
VDSC đánh giá thị trường Mỹ đang cho thấy tín hiệu tích cực với giá xuất khẩu ở mức cao nhất trong hai năm. Các nhà phân tích kỳ vọng đây sẽ là yếu tố giúp Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất tại Mỹ được hưởng lợi.
'Thị trường tiêu thụ Mỹ sẽ hỗ trợ cho Vĩnh Hoàn sau khi dịch được kiểm soát' - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Vĩnh Hoàn.

Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) vừa có báo cáo cập nhật triển vọng kinh doanh của CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC).

BSC vẫn giữ quan điểm thận trọng với triển vọng kinh doanh quý III của Vĩnh Hoàn do việc giãn cách xã hội khiến công suất hoạt động giảm và chi phí phát sinh tăng cũng như giá cước tiếp tục neo ở mức cao. 

Chỉ tính riêng trong quý II, công ty phải chịu cước phí vận tải tăng 275% so với cùng kỳ đối với tuyến Đông Nam Á - Mỹ và cước tăng 4 lần đối với tuyến Đông Nam Á - Châu Âu.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý rằng thị trường tiêu thụ tại Mỹ (chiếm 40% doanh thu) đang cho thấy nhu cầu hồi phục khả quan, đây sẽ là yếu tố hỗ trợ cho Vĩnh Hoàn ngay sau khi tình hình dịch được kiểm soát.

'Thị trường tiêu thụ Mỹ sẽ hỗ trợ cho Vĩnh Hoàn sau khi dịch được kiểm soát' - Ảnh 2.

Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất của Vĩnh Hoàn, chiếm 40% tỷ trọng doanh thu. (Nguồn: BSC tổng hợp từ báo cáo của VHC).

Dự phóng cả năm 2021, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn đạt 8.732 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 822 tỷ, lần lượt tăng 24% và tăng 16% so với năm ngoái sau khi tăng chi phí bán hàng do cước vận tải leo thang.

Dự phóng trên cao hơn kế hoạch do Vĩnh Hoàn đưa ra từ đầu năm với doanh thu thuần 8.600 tỷ đồng, chỉ tiêu lãi sau thuế 700 tỷ đồng.

Năm 2022: Thị trường xuất khẩu hồi phục, tồn kho mức thấp và giá cước tàu sẽ hạ nhiệt

Sang năm 2022, ngành cá tra được kỳ vọng cải thiện hơn khi nhu cầu tiếp tục đà hồi phục trong khi tồn kho ở mức thấp. Cùng với đó các chi phí có thể được kiểm soát khi dịch bệnh và cước phí tàu được hạ nhiệt.

Thứ nhất, thị trường Mỹ đang cho thấy tín hiệu tích cực với giá xuất khẩu ở mức cao nhất trong hai năm. Các nhà phân tích kỳ vọng đây sẽ là yếu tố giúp Vĩnh Hoàn - doanh nghiệp xuất khẩu cá tra lớn nhất tại Mỹ được hưởng lợi.

Tính đến thời điểm hiện tại, các thị trường xuất khẩu cá tra chính của Vĩnh Hoàn (Mỹ, Trung Quốc, EU,…) đều đã có tỷ lệ người dân được tiêm vắc xin trên 50% dân số. Thậm chí, một số nước dự định tiêm thêm mũi tăng cường trong thời gian tới.

Việc tiêm vắc xin sẽ hạn chế các ca lây nhiễm, từ đó tạo động lực cho nhu cầu tiêu thụ thủy sản tiếp tục đà tăng khi hơn 60% sản lượng thủy sản được tiêu thụ qua các kênh dịch vụ như nhà hàng, khách sạn.

Đơn cử như hai tháng của quý III (tháng 7 và 8), dù các xí nghiệp thủy sản chỉ hoạt động ở mức 50 – 60% công suất, xuất khẩu cá tra sang Mỹ vẫn cho thấy mức tăng trưởng khả quan với mức giá xuất khẩu tăng 21% so với cùng kỳ.

Ngay cả khi Việt Nam kiểm soát được dịch giúp nguồn cung cá tra tăng lên, mức giá xuất khẩu vẫn duy trì mức cao do nhu cầu tiếp tục tăng và tồn kho cá tra tại Mỹ thấp, báo cáo nhận định.

Bên cạnh đó, khi nhu cầu xuất khẩu được duy trì tăng cao, BSC dự đoán với mức tồn kho đang ở mức thấp nhất trong vòng hai năm, các doanh nghiệp cá tra sẽ chịu áp lực tăng giá bán.

'Thị trường tiêu thụ Mỹ sẽ hỗ trợ cho Vĩnh Hoàn sau khi dịch được kiểm soát' - Ảnh 3.

Tồn kho cá tra Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong vòng hai năm. (Nguồn: BSC).

Theo nhận định của các chuyên gia, tình hình dịch bệnh tại tỉnh Đồng Tháp chưa được kiểm soát hoàn toàn để có thể nới lỏng lệnh giãn cách trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong quý III và khả năng quý IV của Vĩnh Hoàn nếu dịch không được kiểm soát.

Tuy nhiên, trong năm 2022, nếu nguồn cung vắc xin đáp ứng đủ nhu cầu và tiến độ tiêm vắc xin triển khai nhanh, hoạt động kinh doanh của Vĩnh Hoàn được dự váo sẽ dần quay trở lại bình thường, giúp doanh nghiệp bớt chi phí liên quan đến “3 tại chỗ”. 

Đồng thời, các doanh nghiệp thủy sản nhỏ bị phá sản sẽ tạo một khoảng trống thị trường cho các doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn.

Ngoài ra, BSC kỳ vọng giá nguyên liệu đầu vào và cước phí tàu sẽ không tăng đột biến trong năm 2022 do hoạt động sản xuất của thế giới dần quay trở lại mức bình thường, làm giảm chênh lệch cung cầu. 

Song song đó, giá bã đậu nành (nguyên liệu đầu vào) đã giảm 21% từ mức đính tháng 5 là yếu tố tích cực đối với các doanh nghiệp cá tra khi chi phí thức ăn chiếm 70% giá thành sản xuất cá.

Trái ngược với giá bã đậu nành giảm nhiệt trong hai tháng vừa qua, giá cước vận tải cho tuyến từ Đông Nam Á sang châu Âu tiếp tục tăng cao, gây ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận các doanh nghiệp cá tra do một phần đơn hàng vận chuyển theo CFR (chịu chi phí vận tải). 

BSC kỳ vọng Vĩnh Hoàn có thể chuyển một phần đơn hàng từ CFR sang FOB (không chịu chi phí vận tải) khi nhu cầu thị trường Mỹ đang khả quan, giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực của cước vận tải tăng đột biến.

'Thị trường tiêu thụ Mỹ sẽ hỗ trợ cho Vĩnh Hoàn sau khi dịch được kiểm soát' - Ảnh 4.

Năm 2022, các chuyên gia dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn lần lượt đạt 10.763 tỷ và 1.087 tỷ đồng, tương ứng tăng 23% và tăng 32% so với dự phóng năm 2021.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Hằng