Thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội nóng trở lại sau khởi đầu trầm lắng
Thị trường bán lẻ Hà Nội đã nóng trở lại
Theo công bố tiêu điểm thị trường bất động sản (BĐS) quý II của CBRE, trong quý này, tại thị trường Hà Nội có hai dự án mặt bằng bán lẻ mới gia nhập, cung cấp thêm gần 33.400 m2 mặt bằng bán lẻ, tăng 4,4% theo quý và 12% theo năm. Giá chào thuê trung bình thị trường tăng nhẹ 1% theo quý, dừng ở mức 33,4 USD/m2/tháng (không bao gồm thuế, có gồm phí dịch vụ). Sự thay đổi chủ yếu đến từ khu vực ngoài trung tâm, nơi có các dự án mới ra mắt với mức giá cao hơn trung bình thị trường.
(Nguồn: CBRE) |
Về tỷ lệ trống, quý II năm nay tương đối ổn định với mức giảm 0,3 điểm % theo quý nhưng tăng nhẹ 0,5 điểm % so với cùng kỳ năm trước.
CBRE nhận định, thị trường bán lẻ Hà Nội năm nay đã nóng trở lại sau khởi đầu tương đối trầm lắng. Cả hai dự án mới ra mắt đều nằm ở quận Thanh Xuân làm cho khu vực này ngày càng cạnh tranh hơn. Dự kiến, khoảng hơn 40.000 – 86.000 m2 sẽ được bổ sung vào nguồn cung trong các tháng còn lại của năm sẽ tạo thêm nhiều áp lực lên giá thuê và tỷ lệ lấp đầy của thị trường.
Thời gian tới, mô hình khối đế bán lẻ thuộc dự án phức hợp được trông đợi sẽ xuất hiện nhiều hơn do nguồn cung căn hộ chung cư lớn. Mô hình này có lợi thế như có sẵn nguồn khách hàng tiềm năng cũng như lượng khách đến thăm nhờ vào khu căn hộ, cung cấp thêm dịch vụ và tiện ích, đồng thời nâng cao hình ảnh của cả dự án. Một vài khối đế thu hút được các khách thuê chủ chốt là các hãng thời trang danh tiếng, ngành hàng ăn uống, giải trí, siêu thị… vì vậy yếu tố quyết định thành công của khối đế bán lẻ là có cơ cấu khách thuê chiến lược và phù hợp với dự án.
Công ty dẫn theo báo cáo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu của A.T. Kearrney công bố mới đây, Việt Nam xếp hạng 6, cao hơn một số thị trường phát triển trong khu vực như Singapore, Hong Kong và Indonesia. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ nước ngoài (như 7-eleven); một loạt nhãn hiệu thời trang bình dân dành cho giới trẻ đang tích cực gia nhập thị trường trong nước (một số thương hiệu đã xác nhận việc mwor cửa hàng ở Hà Nội như Zara, H&M) và ngành hàng ăn uống vẫn cạnh tranh với những tên tuổi đến từ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương…
Quý II, thị trường văn phòng Hà Nội đón thêm 24.000 m2 vào tổng cung, đến từ một tòa nhà văn phòng hạng B. (Ảnh minh họa) |
Văn phòng hạng A không có nguồn cung mới, sẽ hoạt động khả quan trong năm
Cũng theo công bố tiêu điểm thị trường bất động sản (BĐS) quý II của CBRE, kết thúc quý này, thị trường văn phòng Hà Nội chào đón một tòa nhà văn phòng hạng B (HUD Tower) đi vào hoạt động, cung cấp thêm 24.000 m2 vào tổng cung. Thị trường được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng ra khu vực ngoài trung tâm khi các tòa nhà sắp mở cửa chủ yếu tập trung ở khu phía Tây và các quận Đống Đa, Ba Đình.
Về nhu cầu, tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 20.100 m2 trong quý. Diện tích hấp thụ chủ yếu đến từ các tòa nhà ngoài trung tâm. Về hoạt động, các tòa nhà hạng A chứng kiến sự cải thiện về cả giá thuê lẫn tỷ lệ trống. Giá thuê đạt 24,1 USD/m2/tháng (không bao gồm phí dịch vụ và thuế), tăng 2,2% so với quý trước. Đến quý II, tỷ lệ trống văn phòng hạng A đạt 11,2%, giảm 2 điểm % so với quý trước. Văn phòng hạng B có giá thuê tương đối ổn định so với quý trước. Tỷ lệ trống trung bình của văn phòng hạng B tiếp tục tăng lên 17,4%, tăng 1 điểm % so với quý trước do có nguồn cung mới.
Do không có tòa nhà hạng A mới nào đi vào hoạt động trong năm 2017, các tòa nhà hạng A hiện hữu dự kiến sẽ tiếp tục duy trì kết quả hoạt động khả quan. Thị trường văn phòng hạng B sẽ tiếp tục chịu cạnh tranh do có thêm nguồn cung mới.