Thị trường chứng khoán 2018 qua góc nhìn nhà đầu tư
Thị trường thế giới khởi động năm 2018 với nhiều sắc xanh | |
Chuyện cuối năm: Broker nói gì về năm 2017? |
Thăng hoa 2017
Có thể nói, 2017 là năm thành công đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Về điểm số, VN-Index đã khép lại với 984,24 điểm, tăng hơn 48% và lọt vào top những thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Về thanh khoản, đây cũng là năm thị trường có giá trị giao dịch tăng đột biến. Còn về thoái vốn và IPO, hay mức vốn hóa cũng là những con số thống kê ấn tượng.
“10 năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam mới có 1 năm thăng hoa như vậy. Chỉ số VN-Index tăng hơn 300 điểm và gần trở lại mốc lịch sử cao nhất. 2017 cũng là năm của nhiều kỷ lục mới được xác lập, đó là về giá trị mua ròng của khối ngoại, những phiên giao dịch với khối lượng tăng đột biến, hay mức vốn hóa toàn thị trường tăng cao nhất từ trước tới nay khi hàng trăm doanh nghiệp vốn hóa lớn được niêm yết và giao dịch tập trung trên 3 sàn”, nhà đầu tư Trần Minh phấn khởi nói.
Có phương pháp đầu tư riêng, cộng thêm “may mắn” khi lựa chọn đúng nhóm cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, doanh thu tăng trưởng và chờ đón điểm rơi lợi nhuận, anh Minh đã thành công với 4 cổ phiếu là SDI, LDG, HCM và VCB, mang lại khoản lợi nhuận không nhỏ, trung bình từ 40- 60%.
Dẫu vậy, có một thực tế là không phải nhà đầu tư nào cũng ghi nhận thành quả. Gần 10 năm “dấn thân” vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư P.H Bình cho rằng, 2017 là một năm khác biệt, sự lệch pha vô cùng lớn.
Kết thúc năm 2017, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 984,24 điểm, tức tăng hơn 48% |
“Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có ảnh hưởng mạnh đến chỉ số như VIC, SAB, MSN, VNM, GAS…, cùng nhóm ngân hàng đã tăng vượt bậc. Nhiều cổ phiếu tăng mạnh, đẩy hệ số P/E cao kỷ lục, vượt xa vùng định giá và nằm ngoài mọi kịch bản nào. Vì thế, sẽ rất hiếm nhà đầu tư được hưởng trọn thành quả đối với nhóm cổ phiếu này, kể cả các quỹ đầu tư. Ở chiều ngược lại, những nhà đầu tư cá nhân thông thường vẫn thích nhóm cổ phiếu đầu cơ, có tốc độ tăng giảm mạnh cùng thị giá thấp”, anh Bình nói.
Theo nhà đầu tư này, nhóm cổ phiếu đầu cơ chỉ duy trì một nhịp tăng ngắn hồi đầu năm, trong khi thời gian điều chỉnh và suy giảm lại kéo khá dài. Vì thế, nhiều người bị cuốn vào những cổ phiếu này, trong khi không được hưởng lợi nhiều từ nhóm cổ phiếu vốn hóa hay cổ phiếu cơ bản. Hơn nữa, năm 2017 chỉ tôn vinh những nhà đầu tư đủ kiên nhẫn nắm giữ cổ phiếu. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhà đầu tư tuy đã lựa chọn đúng cổ phiếu, nhưng cũng không đạt được tỷ suất lợi nhuận cao.
“Chiến lược đầu tư của tôi luôn đi theo mô hình TOP – DOWN và tôi có đủ kiên trì nắm giữ cùng niềm tin vào thị trường. Vì thế, tôi cũng đã có được những thành công tương đối tích cực trong năm vừa qua”, anh Bình cho biết.
Thống kê giao dịch trong năm qua cho thấy, dù có trên 60% cổ phiếu trên sàn tăng trưởng, nhưng trong số này, không phải cổ phiếu nào cũng mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư. Bởi, có những doanh nghiệp đã hồi sinh và tăng trưởng ngoạn mục như SHS, LCG, HBC, TCM…, song cũng có những doanh nghiệp chỉ “lóe sáng” rồi quay đầu lao dốc, mà nếu nhà đâu tư trật nhịp “ra vào” thì có thể mất “cả chì lẫn chài”.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, Anh Tuấn - một nhà đầu tư chứng khoán có nhiều năm kinh nghiệm với nickmame NDT1970 cho biết, nhiều bluechip tăng mạnh trong năm 2017, nhưng không nhiều người kiếm được tiền từ nhóm này.
“Cá nhân tôi vẫn trung thành theo phương pháp ‘đãi cát tìm vàng’, đầu tư những cổ phiếu nhỏ bị định giá thấp dưới giá trị thực như L14 và 3 năm nay, mỗi năm cổ phiếu này tăng đều 300%, vượt xa tăng trưởng của VN-Index. Tôi rất hài lòng với kết quả này”, anh Tuấn chia sẻ.
Như vậy, 2017 đã khép lại, tạo lập những đỉnh giá mới của nhiều cổ phiếu trong 10 năm qua và ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chung. Xét về mặt chỉ số và thanh khoản, đã rất lâu mới thấy một năm tăng trưởng toàn diện cả về lượng và chất của thị trường.
2018, “đãi thị trường tìm cổ phiếu”
Hiện nay, vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt 75% GDP và đang dần trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Trong năm 2018 và những năm tới, mục tiêu của Chính phủ là nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi, qua đó mở rộng hơn nữa cả về quy mô hoạt động lẫn số doanh nghiệp chất lượng lên niêm yết.
Có thể trước áp lực tăng vốn lớn và niêm yết ào ạt sẽ gây lo ngại về việ dư cung, nhưng ở khía cạnh khác, khi thị trường với đầy đủ hàng hóa chất lượng sẽ thu hút nhiều dòng vốn lớn đầu tư hơn. Đó là chưa kể kỷ lục tăng trưởng của thị trường năm qua đã gây một tiếng vang trong lòng giới tài chính quốc tế.
Dù đa phần giới đầu tư đều có cái nhìn lạc quan về xu hướng thị trường, song điều này cũng khiến nhà đầu tư khó khăn trong việc đưa ra quyết định, khi lòng tham và nỗi sợ hãi luôn song hành. Nhưng có một điều mà nhiều nhà đầu tư tin rằng, dòng tiền sẽ luân chuyển sang nhóm cổ phiếu đang được định giá rẻ hơn. Quy luật bao giờ cũng vậy, không có gì cứ tăng mãi mà không giảm và dòng tiền thông minh luôn chọn đúng chỗ.
Theo nhà đầu tư Anh Tuấn, 2018 sẽ là năm của cổ phiếu midcap và penny, bởi nhiều cổ phiếu trong nhóm này đang được định giá thấp đáng kể so với giá trị thực về tài sản, P/E thấp nhưng tăng trưởng cao. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp trong ngành bất động sản có đất nền sẽ được hưởng lợi từ việc giá đất tăng.
Về mặt “lý thuyết”, nhiều quan điểm cho rằng, nhóm cổ phiếu trong diện thoái vốn nhà nước sẽ thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần lưu ý rằng, những doanh nghiệp tăng trưởng bền vững sẽ có nhiều cơ hội hơn.
Theo nhà đầu tư P.H Bình, thị trường trong năm mới sẽ mở rộng hơn và nhiều cơ hội hơn, nhưng cũng sẽ khó lựa chọn hơn. Thực tế, những ngành được dự báo tích cực hầu hết giá cổ phiếu đã tăng mạnh, tức là thông tin đã phản ánh vào giá. Mặc dù vậy, nếu nhìn vào tiềm năng tăng trưởng, anh Bình cho biết, sẽ vẫn hướng đến những ngành như tài chính, chứng khoán, ngân hàng, tiêu dùng, sắt thép, vật liệu xây dựng và công nghệ thông tin.
“Tất nhiên, cũng không nên bó buộc như vậy, bởi tùy từng cổ phiếu, tùy từng thời điểm mà có những kỳ vọng khác nhau. Có ngành tích cực, nhưng chưa chắc giá cổ phiếu đã tăng. Ngược lại, có ngành kém tích cực, nhưng cổ phiếu lại được hưởng lợi”, anh Bình nói.
Mốc 1.000 điểm của hiện tại sẽ khác với 1.000 điểm của cách đây 10 năm khi quy mô thị trường đã lớn hơn rất nhiều. Hơn nữa, với nhiều chính sách vĩ mô quan trọng sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới như hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn và niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước, tăng vốn ngành ngân hàng…, thị trường chứng khoán chính là công cụ hàng đầu để thực thi chính sách.
“Nếu để ưu tiên lựa chọn cho danh mục đầu tư trong năm 2018, nhóm ngành tôi hướng tới tiếp tục là ngân hàng, chứng khoán, với các mã tiêu biểu như VCB, HCM..., bởi đây là nhóm phản ứng rất nhạy với thị trường. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí, với các mã điển hình như PVS, PVD… vẫn còn dư địa tăng giá”, anh Minh cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán 2017 đã thăng hoa, nhưng chua thực sự bùng nổ. Và điều này được kỳ vọng sẽ diễn ra trong năm 2018. Có lẽ với nhà đầu tư, biến động của các chỉ số không còn quan trọng bằng việc giá cổ phiếu đầu tư tăng. Không phân biệt là bluechip, penny hay đầu cơ, cổ phiếu nào tăng giá chính là cổ phiếu tốt.