|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thị phần môi giới chứng khoán phái sinh qua 5 năm: VPS đoạt quán quân từ 2019, TCBS và PHS lần đầu bước vào Top10

07:00 | 24/07/2023
Chia sẻ
Tính đến hết ngày 30/6, TTCK phái sinh Việt Nam có 24 công ty chứng khoán thành viên. VPS là đơn vị dẫn đầu thị phần kể từ 2019 đến nay.

Tại bản tin thị trường phái sinh mới đây, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam vận động theo xu hướng tăng về giá trong quý II, đồng pha với biến động của thị trường chứng khoán (TTCK) cơ sở. Tuy nhiên, trái ngược với thị trường cơ sở, tổng khối lượng giao dịch và khối lượng giao dịch bình quân của TTCK phái sinh lại giảm mạnh so với quý I, lần lượt giảm 40,8% về tổng khối lượng và giảm 43,7% về khối lượng giao dịch bình quân. 

Tính trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đạt gần 28,8 triệu hợp đồng, giá trị giao dịch theo danh nghĩa đạt 3,05 triệu tỷ đồng, tăng 14,4% về khối lượng và giảm 12,06% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân phiên, khối lượng giao dịch đạt 237.750 hợp đồng mỗi phiên, giá trị giao dịch đạt 25.240 tỷ đồng mỗi phiên, tương ứng tăng 13,45% về khối lượng bình quân và giảm 12,79% về giá trị bình quân so với cùng kỳ năm 2022.

Về cơ cấu nhà đầu tư, HNX cho biết số lượng các tài khoản giao dịch mở trên TTCK phái sinh duy trì đà tăng trưởng kể từ thời điểm khai trương năm 2017 đến năm 2020, tăng trưởng đột biến năm 2021. Sau khi đạt đỉnh vào tháng 11/2021, mức độ tăng trưởng suy giảm mạnh đến giữa quý II/2022, duy trì mức tăng tương đối thấp, ổn định đến hết quý III/2022 trước khi có sự phục hồi dần đều từ quý IV/2022. Số lượng các tài khoản trên TTCK phái sinh đạt 1,3 triệu tài khoản tính đến hết quý II/2023, với mức độ tăng trưởng ổn định tính từ đầu năm đến nay.

(Nguồn: HNX).

Trong giai đoạn 2017-2018, khi quy mô thị trường còn nhỏ, sân chơi này gần như thuộc về các đơn vị có tên tuổi lúc bấy giờ như SSI (tên cũ là Chứng khoán Sài Gòn, mã: SSI), VNDirect (Mã: VND) hay HSC (Mã: HCM).

Cùng với sức hút ngày càng tăng của phái sinh, các công ty chứng khoán dần dành thêm sự quan tâm đặc biệt đến thị trường này. Đến 2019, Chứng khoán VPS bất ngờ vươn lên vị trí dẫn đầu với gần 50% thị phần, theo sau là VNDirect (12,69%), và MBS (11,14%).

(Nguồn: X.N tổng hợp từ HNX).

VPS tiếp tục duy trì vị trí quán quân trong các năm tiếp theo và đạt thị phần khoảng 61% thị phần vào giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023. Đơn vị này đã mạnh tay thực hiện chiến lược phí giao dịch thấp đến miễn phí nhằm thu hút nhà đầu tư. Cùng với đó, lực lượng môi giới/cộng tác viên của VPS cũng là đông đảo nhất thị trường những năm trở lại đây.

Ngoài VPS, Top5 thị phần TTCK phái sinh thường xuyên có sự góp mặt HSC, VNDrirect, SSI và MBS. Đáng chú ý trong năm 2022 là sự xuất hiện lần đầu tiên trong Top10 của TCBS với vị trí thứ 5 (3,42%) và Chứng khoán Phú Hưng ở vị trí thứ 9 (gần 1,8%). Hai đơn vị này đang tiếp tục góp mặt trong Top10 thị phần TTCK phái sinh 6 tháng đầu năm 2023.

(Nguồn: X.N tổng hợp từ HNX).

Niềm tin của nhà đầu tư đã trở lại

Tại talkshow với chủ đề “Khơi thông dòng vốn trên thị trường chứng khoán” diễn ra vào tháng 6, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới, UBCKNN sẽ cố gắng triển khai ngay các sản phẩm khác trên thị trường phái sinh như hợp đồng tương lai chỉ số VN100, sau đó tiếp tục triển khai các sản phẩm hợp đồng tương lai đối với các tài sản cơ sở khác (như cổ phiếu), sau đó đến các hợp đồng tự chọn.

Để hỗ trợ cho tất cả những việc này, việc sớm đưa vào vận hành hệ thống KRX không những hỗ trợ triển khai những sản phẩm này, mà còn hỗ trợ rất lớn cho cơ quan quản lý trong công tác giám sát thị trường dựa vào việc ứng dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin, theo đó chất lượng thị trường sẽ được nâng cao.

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN chia sẻ trong chương trình. (Ảnh chụp màn hình).

Cũng tại sự kiện, ông Trần Huy Doãn, Giám đốc khối Thị trường Phái sinh của Chứng khoán ACB (ACBS) cho biết thị trường phái sinh là một cơ sở, hệ sản phẩm mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và cơ quan quản lý đã phát triển từ năm 2017, cho phép nhà đầu tư có một chiến lược tinh vi, phức tạp hơn để bảo vệ danh mục đầu tư cũng như tỷ suất sinh lời, đồng thời có thể chủ động nắm bắt được tình hình.

Theo thống kê của ACBS, từ đầu năm đến nay, thị trường phái sinh (gồm cả thị trường hợp đồng tương lai và chứng quyền) đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Doãn cho rằng đây là một cơ sở tốt vì nhà đầu tư cá nhân trên thị trường đã bắt đầu biết sử dụng công cụ này để bảo vệ chính họ trước những tin đồn hay cơ hội trên thị trường, cũng như những rủi ro tổng thể của diễn biến vĩ mô.

Đại đa số nhà đầu tư vẫn còn niềm tin vào tiềm lực phát triển của quốc gia cũng như của nền kinh tế, tuy nhiên ở giai đoạn hiện tại vẫn phải dối diện với rất nhiều khó khăn, do đó sự ổn định của cục diện thị trường hiện nay như thanh khoản tăng cao và nhà đầu tư tham gia tích cực vào thị trường phái sinh là một điều tốt.

Góc nhìn của ông Nguyễn Vũ Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị của VNDirect, cho vay ký quỹ tạo đỉnh vào năm 2022 đã tạo ra nhiều rủi ro trong giai đoạn thị trường đi xuống, nhà đầu tư cần rút ra được những bài học từ việc này.

Lãnh đạo VNDirect nhận định thị trường phái sinh là một văn minh của thế giới và đã được phát triển hàng chục năm nay. Đây là một kênh để tạo ra sự cân bằng cho thị trường, nhà đầu tư mới tham gia cần có hiểu biết, tỷ lệ đòn bẩy ở Việt Nam cao nhưng thực tế so với các nước phát triển, tỷ lệ này không hề cao.

"Thị trường phái sinh không có lỗi, nhà đầu tư cần sử dụng các công cụ đòn bẩy một cách có hiểu biết, nhìn nhận được những rủi ro khi dùng đòn bẩy.", ông Long nhấn mạnh.

Xuân Nghĩa