Thép Việt chật vật cạnh tranh
Sản xuất thép không gỉ cán nguội trong nước đang nhiều hơn nhu cầu ẢNH: M.P |
Nhập khẩu dù sản xuất dư thừa
Theo Tổng cục Hải quan, số lượng nhập khẩu (NK) thép các loại quý 1 năm nay đạt hơn 4,63 triệu tấn, chỉ tăng nhẹ 1,1% về lượng nhưng tăng mạnh 41,6% về giá so với cùng kỳ năm trước. Sắt thép các loại NK về VN chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc với hơn 2,21 triệu tấn, trị giá gần 1,18 tỉ USD; từ Nhật Bản đạt 529.000 tấn, trị giá 315 triệu USD; từ Hàn Quốc với 417.000 tấn, trị giá 293 triệu USD. Đặc biệt sắt thép các loại có xuất xứ từ Ấn Độ tăng mạnh so với cùng kỳ khi đạt 439.000 tấn, trị giá 227 triệu USD, tăng 47 lần về lượng và tăng 22 lần về trị giá...
Còn theo báo cáo của Hiệp hội Thép VN, NK một số mặt hàng vẫn tăng cao so với cùng kỳ như: thép tôn mạ màu hơn 84.000 tấn, tăng 40%; thép thanh que hình hơn 141.000 tấn, tăng 113%; thép cuộn cán nguội gần 160.000 tấn, tăng 158%. Ngoài ra, NK ống thép hàn, dây thép, mạ loại khác, thép không gỉ... cũng tăng cao. Trong khi sản xuất thép của các doanh nghiệp (DN) thuộc Hiệp hội Thép VN 3 tháng đầu năm nay đạt trên 4,63 triệu tấn, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Để bảo vệ sản xuất trong nước, VN đã bắt đầu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như sử dụng thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với các mặt hàng sắt thép NK vào VN như thép không gỉ cán nguội, thép mạ, thép hình chữ H, phôi thép và thép dài... Thế nhưng, điều này vẫn không ngăn được làn sóng NK ồ ạt thép vào thị trường nội địa. Ví dụ đối với thép không gỉ cán nguội, việc áp dụng thuế CBPG đã được chính thức đưa ra từ tháng 10.2014 dành cho các sản phẩm được NK từ Trung Quốc, Malaysia và Indonesia.
Đến giữa năm 2015, mức thuế CBPG cho sản phẩm này được gia tăng sau khi rà soát lần thứ nhất và hiện nay Cục Quản lý cạnh tranh cũng đang tiến hành rà soát lần thứ hai. Thế nhưng lượng thép không gỉ cán nguội NK vẫn liên tục gia tăng. Bên cạnh đó, một số DN Trung Quốc cũng đã xúc tiến kế hoạch đầu tư nhà máy thép ngay tại VN để tránh việc bị áp thuế CBPG...
Theo ước tính, thị trường thép không gỉ cán nguội của VN tăng trưởng trung bình khoảng 8,6%/năm trong những năm qua. Cụ thể năm 2016, nhu cầu sản phẩm thép không gỉ cán nguội tại VN chỉ khoảng 200.000 tấn, nhưng số lượng NK đạt 64.000 tấn, cộng với công suất trong nước khoảng 300.000 tấn, gần gấp đôi so với nhu cầu. Việc các sản phẩm thép NK ồ ạt vào VN khiến công suất hoạt động của nhiều DN trong nước chỉ đạt khoảng 70% mà tỷ lệ dư thừa vẫn cao.
Báo cáo điều tra áp dụng thuế CBPG của Cục Quản lý cạnh tranh, trong giai đoạn điều tra từ tháng 4.2012 đến tháng 3.2013, lượng tồn kho sản phẩm thép không gỉ tăng gấp 10 lần so với năm 2009. Điều này cho thấy ngành sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn ngay tại chính thị trường nội địa. Nhiều DN đang phải cạnh tranh khốc liệt hơn, thậm chí khả năng tồn tại cũng ngày càng thu hẹp dần.
Tính toán kỹ nhu cầu thép Văn phòng Chính phủ vừa thông báo kết luận của Thủ tướng về dự án thép Hoa Sen Cà Ná. Thông báo nêu rõ hiện nay dự án này đang ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị còn vội vàng, thông tin về dự án còn bất cập chưa đầy đủ, chưa toàn diện. Do đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Ninh Thuận và các cơ quan tạm dừng việc đề xuất dự án thép Cà Ná để làm rõ một số vấn đề sau. Thứ nhất là tính toán kỹ nhu cầu thị trường thép trong nước và thế giới, trên cơ sở đó rà soát quy hoạch các nhà máy thép, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thị trường đề xác định quy mô công suất và thời điểm phát triển Dự án hợp lý. Thứ hai, đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ, thiết bị của dự án, đặc biệt nghiên cứu đánh giá tác động môi trường đảm bảo dự án an toàn không xảy ra sự cố tương tự như Formosa... |
Cũng như nhiều sản phẩm thép khác, các DN sản xuất thép không gỉ đã đẩy mạnh xuất khẩu để đảm bảo hoạt động. Bên cạnh thị trường chính là ASEAN, hiện thép VN xuất sang thị trường Mỹ khá lớn. Tuy nhiên, khi VN đẩy mạnh xuất khẩu thì những nước NK cũng tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại. Ngay cả các nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Indonesia... đã nhiều lần kiện phòng vệ thương mại VN. Hay như Mỹ cũng đang điều tra vụ kiện chống lẩn tránh thuế của VN, có liên quan đến việc nghi ngờ thép Trung Quốc giá rẻ “đội lốt” hàng Việt để xuất sang Mỹ. Theo thống kê của Hội đồng tư vấn về phòng vệ thương mại - Phòng Thương mại - Công nghiệp VN, chỉ tính riêng trong số gần 100 vụ kiện chống bán phá giá thì trong đó liên quan đến ngành thép VN khoảng 20 vụ.
Thận trọng đầu tư mới
Việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại như áp thuế CBPG được xem như một giải pháp để bảo vệ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, đây cũng không phải là giải pháp dài hạn. Hơn nữa, xu hướng các nước bị áp thuế CBPG chuyển hẳn sang đầu tư sản xuất ngay tại VN đang diễn ra. Thời gian qua nhiều ý kiến của các chuyên gia đã cảnh báo về những hệ quả đối với các dự án thép tại VN nói chung. Đặc biệt, nhiều dự án có tác động lớn đến môi trường.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Long phân tích, trong thời gian qua nhiều nước đã không khuyến khích đầu tư sản xuất thép nên một số tập đoàn đã xem xét đầu tư vào VN. Vì vậy, trước khi cấp phép cho những dự án đầu tư sản xuất thép nói chung hay thép không gỉ cán nguội nói riêng, cần phải xem xét đánh giá chung về tình hình cung cầu trong nước cũng như cung cầu trong khu vực và thế giới; đồng thời xem xét đến hiệu quả của dự án về mặt kinh tế, về mặt xã hội.
“Chúng ta không đánh đổi bằng mọi giá chỉ để có được nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực thép. Ngay cả dự án đầu tư trong nước như thép Cà Ná mà Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu phải tính toán kỹ nhu cầu thị trường trong nước cũng như đánh giá kỹ vấn đề môi trường, công nghệ thiết bị để không xảy ra sự cố tương tự như Formosa. Nên với bất kỳ dự án thép nào hiện nay cũng đều phải thận trọng”, TS Ngô Trí Long chia sẻ.
Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, vấn đề nghiêm trọng của VN hiện nay chính là ô nhiễm không khí. Theo ước tính, đến năm 2030 VN nằm trong danh sách Top 10 nước ô nhiễm hàng đầu thế giới. Vì vậy ngay từ bây giờ, VN cần khẳng định không mở rộng hay cho phép đầu tư mới vào các ngành công nghiệp nặng, đặc biệt là sắt thép. “Việc Thủ tướng tạm dừng đề xuất dự án thép Hoa Sen Cà Ná là đúng. Nhưng chúng ta phải thực hiện thống nhất là không cho nhà đầu tư trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài làm bất kỳ dự án thép nào nữa. Đặc biệt, việc sử dụng quy trình công nghệ cũ lạc hậu sẽ thải ra lượng khí nhà kính rất nguy hiểm cho con người. Chúng ta không thể vì tăng trưởng mà hy sinh môi trường”, chuyên gia Bùi Trinh nhấn mạnh.
Doanh nghiệp Trung Quốc tìm mua lại các nhà máy thép Việt Nam thua lỗ
Theo ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá thép nguyên liệu thế giới đang trong xu ... |
Quý I, lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm hơn 52%
Trong quý I, mặc dù đã giảm nhập khẩu thép từ Trung Quốc nhưng thép của nước này vẫn chiếm tới 52% thị phần trong ... |
Năm 2017, công ty mẹ VnSteel đặt kế hoạch lãi 200 tỷ đồng, triển khai công tác thoái vốn
Năm 2016, VnSteel đã hoàn tất thủ tục thoái vốn tại 8 công ty. |
Nga sẽ là thị trường nhập khẩu chiến lược của ngành thép Việt
Theo Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2016 mới được Bộ Công Thương công bố, dự báo lượng thép nhập khẩu từ thị trường ... |