|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Thêm điều kiện với nhà đầu tư mua DN nhà nước

17:08 | 07/08/2016
Chia sẻ
Nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thực hiện cổ phần hóa phải đáp ứng thêm một số điều kiện mới, theo dự thảo Nghị định do Bộ Tài chính soạn thảo về chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.
tin nhap 20160807170042
Petrolimex, một tập đoàn nhà nước vừa bán gần 10% cố phần cho nhà đầu tư chiến lược đến từ Nhật Bản. Ảnh: Minh Tâm

Cụ thể, điều 6, dự thảo nghị định quy định, nhà đầu tư chiến lược phải là nhà đầu tư có cùng ngành nghề kinh doanh chính với doanh nghiệp cổ phần hóa. Thêm vào đó, phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh hai năm gần nhất (tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần) có lãi và vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính năm gần nhất (được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập) phải đảm bảo có đủ nguồn để mua số lượng cổ phần đăng ký.

Quy định hiện hành (Nghị định 59/2011/NĐ-Cp) chỉ quy định rằng nhà đầu tư chiến lược phải có khả năng tài chính và có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền trong việc gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về: chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Dự thảo nghị định cũng quy định các nhà đầu tư chiến lược cũng phải thực hiện đấu giá với nhau trên sở giao dịch chứng khoán và thực hiện bán đấu giá sau cuộc đấu giá công khai. Đặc biệt, số lượng nhà đầu tư chiến lược tại mỗi doanh nghiệp không còn bị khống chế ở con số ba đơn vị như lâu nay.

Trong trường hợp chỉ có một nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua thì doanh nghiệp sẽ không tổ chức bán thỏa thuận cho nhà đầu tư chiến lược mà chuyển sang bán đấu giá công khai cùng với các nhà đầu tư thông thường khác.

Giải trình về những đề xuất mới này, Bộ Tài chính trong tờ trình Chính phủ cho rằng, việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng (theo tiêu chí lựa chọn do ban chỉ đạo cổ phần hóa trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) như lâu nay chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như dễ dẫn đến thất thoát vốn Nhà nước. Điều này đã xảy ra trong thực tế vừa qua, nhất là với những đơn vị chỉ có một nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua cổ phần (chỉ thực hiện bán theo phương thức thỏa thuận trực tiếp thay vì đấu giá với các nhà đầu tư thông thường).

Bên cạnh đó, quy định mới kể trên cũng nhằm phù hợp với việc Nghị định số 116/2015/NĐ-CP đã không còn quy định tỷ lệ khống chế số lượng cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược (trong khi Nghị định 59/2011/NĐ- CP quy định tỷ lệ không quá 50% số cổ phần bán ra bên ngoài). Các nhà đầu tư nếu cần mua cổ phần sẽ thực hiện tham gia đấu giá mà không cần phải tiến hành các thủ tục xây dựng tiêu chí lựa chọn, xây dựng các cam kết để trở thành nhà đầu tư chiến lược…

Dự thảo nghị định kể trên được Bộ Tài chính soạn thảo theo phân công của Chính phủ nhằm thay thế cho Nghị định 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP và Nghị định 116/2015/NĐ-CP về cổ phần hóa.

Theo Bộ Tài chính, các nghị định kể trên đã cơ bản tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn khi cổ phần hóa các DNNN, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trong giai đoạn 2011-2015, cả nước đã có 478 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.

Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa cũng cho thấy việc đổi mới phương thức quản lý còn chưa rõ ràng (tỷ lệ cổ phần Nhà nước còn nắm giữ lớn ở nhiều doanh nghiệp); một số doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa có quy mô vừa và lớn, tình hình tài chính phức tạp, hoạt động trong những lĩnh vực đặc thù nên thời gian tiến hành cổ phần hóa kéo dài.

Không chỉ vậy, cơ chế bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược còn bất cập do nhà đầu tư chiến lược có nghĩa vụ phải cung cấp nhiều nguồn lực theo cam kết nhưng lại hạn chế không được bán cổ phiếu trong vòng 5 năm, chưa có quy định các chế tài xử lý các nhà đầu tư chiến lược không thực hiện đúng cam kết...

Những bất cập này, theo Bộ Tài chính, cần phải sửa đổi để thúc đẩy quá trình cổ phần hóa trong giai đoạn 2016-2020 và đặc biệt là phù hợp với các luật mới như Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…

Theo Minh Tâm
TBKTSG

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.