Tháo gỡ vướng mắc liên quan đến thủ tục thuế cho doanh nghiệp
Ngày 5/7, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp với chính quyền nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách, thủ tục thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Cục thuế Tp. Hồ Chí Minh đã trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi của các doanh nghiệp về các chi phí được khấu trừ; chứng từ, thủ tục kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; cách quyết toán đối với các doanh nghiệp có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh…
Đại diện Công ty TNHH chăn nuôi Long Bình đặt câu hỏi, hiện nay công ty đang trực tiếp thu mua gà từ nông dân và hợp đồng một đơn vị khác gia công giết mổ, sau đó công ty sơ chế, tẩm ướp, đóng gói sản phẩm và phân phối ra thị trường thì hoạt động của công ty có được xếp vào nhóm doanh nghiệp chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản để áp dụng thuế suất ưu đãi là 15% hay không?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Thiện, Trưởng phòng Tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm liên quan đến ngành nông nghiệp nhầm lẫn về đối tượng áp dụng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo đó, mức thuế ưu đãi 15% chỉ dành cho các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào việc chăn nuôi, sản xuất nông sản, thủy sản hoặc chế biến nông sản, thủy sản thành các sản phẩm có giá trị cao hơn. Còn đối với các doanh nghiệp chỉ thu mua, sơ chế và phân phối sản phẩm nông sản, thủy sản như trường hợp công ty Long Bình thì không được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 15%.
Các doanh nghiệp có nhiều cơ sở, chi nhánh hoạt động ở nhiều địa phương khác nhau nêu vấn đề, khi doanh nghiệp mở chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại địa phương khác nhưng khai thuế giá trị gia tăng tập trung tại trụ sở chính thì có phải nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai ở địa phương đặt chi nhánh, văn phòng đại diện hay không?
Liên quan tới vấn đề này, đại diện Cục thuế Tp. Hồ Chí Minh phân tích, trong trường hợp doanh nghiệp mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh ở tỉnh/thành khác mà chi nhánh, văn phòng đó có tư cách pháp nhân độc lập, có con dấu, tài khoản ngân hàng riêng, có hoạt động kinh doanh và thu nhập thì phải thông báo phát hành hóa đơn với cơ quan thuế địa phương.
Còn nếu chi nhánh, văn phòng đó không có con dấu, tài khoản ngân hàng thì cơ quan thuế địa phương có thể yêu cầu nộp thuế giá trị gia tăng vãng lai theo tỷ lệ 2% doanh thu của chi nhánh đó. Phần thuế giá trị gia tăng vãng lai đó sẽ được khấu trừ vào chi phí cho doanh nghiệp tại trụ sở chính.
Về những bất cập trong việc áp dụng Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc yêu cầu các hóa đơn phải đồng nhất về tên, địa chỉ của doanh nghiệp là không cần thiết và gây nhiều khó khăn, phiền phức cho các nhân viên kế toán.
Bà Nguyễn Thị Hoa, kế toán Công ty liên doanh vận tải EVERGREEN chia sẻ, vì nhiều lý do khách quan như tên công ty, địa chỉ quá dài, nhân viên giao nhận viết sai, thiếu… Sự khác nhau phổ biến là do viết tắt các cụm từ như “Trách nhiệm hữu hạn – TNHH”, “Cổ phần – CP” hay thiếu các từ “tỉnh/thành” “huyện”, “xã”, “ấp” nhưng vì thế không xuất được hóa đơn và kế toán là người thường xuyên phải làm thủ tục điều chỉnh hóa đơn cho chính xác so với giấy phép đăng ký kinh doanh.
Do đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là những người phụ trách kế toán doanh nghiệp mong muốn có được sự thống nhất về việc cho phép ghi tên và địa chỉ công ty ở mức tương đối, có thể viết đầy đủ hoặc viết tắt, miễn sao có thể tra cứu đúng mã số thuế của doanh nghiệp nhằm giảm bớt áp lực cũng như chi phí về thời gian cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Nam Bình, Phó Cục trưởng Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan thuế thành phố sẽ ghi nhận, tổng hợp những đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến việc ban hành, thực thi các chính sách thuế lên cấp trên để có hướng điều chỉnh cho phù hợp.
Theo ông Nguyễn Nam Bình, hội nghị đối thoại doanh nghiệp – chính quyền thành phố về thuế là kênh tiếp xúc, chia sẻ thông tin hiệu quả giữa cơ quan quản lý với các doanh nghiệp. Qua đó, cơ quan thuế có thể phổ biến, tuyên truyền các chính sách, văn bản pháp luật của nhà nước tới doanh nghiệp.
Ngược lại, các doanh nghiệp cũng có cơ hội nêu ra những khó khăn, vướng mắc của mình trong quá trình thực thi pháp luật. Sự tác động đa chiều giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp sẽ góp phần vào việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật cũng như tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp.