Thái Lan: Phân loại lao động nước ngoài trước khi áp dụng BHXH
Ông chủ Thái quyết sửa điều lệ, mô hình hoạt động của Sabeco | |
Thái Lan sắp mở thầu dự án tàu cao tốc 5,5 tỷ USD nối Trung Quốc |
Người lao động đang làm việc ở công ty nước ngoài tại TPHCM. Ảnh: Quốc Hùng. |
Theo quy định đóng BHXH tại Việt Nam, người lao động đóng 10,5% và doanh nghiệp sử dụng lao động đóng 21,5% (theo mức lương cơ bản được quy định). Đối với một số người thì đây là vấn đề an sinh xã hội cần thiết, trong khi một số khác cho đó là một gánh nặng phải chi trả hàng tháng. Không chỉ vậy, việc tiếp cận đầy đủ quyền lợi từ BHXH cũng là chủ đề được bình luận nhiều nhất. Thêm vào đó, toàn cầu hóa cùng sự dịch chuyển lao động từ nước này sang nước khác đặt ra nhiều vấn đề cho BHXH.
Đầu năm 2018, Việt Nam quy định người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, có giấy phép lao động hay giấy phép hành nghề tham gia BHXH bắt buộc. Các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp có nguồn vốn nước ngoài cho rằng quy định này sẽ làm tăng chi phí bất hợp lý vì doanh nghiệp phải đóng BHXH hai lần, gồm một lần tại đất nước mà công ty đặt trụ sở chính và một lần tại đất nước mà công ty đặt công ty con/chi nhánh, chưa kể, các doanh nghiệp đều có chế độ phúc lợi riêng cho nhân viên.
Một câu hỏi nữa đặt ra là liệu có phải tất cả người lao động đều cần BHXH để đảm bảo an sinh xã hội?
Đối với lao động trình độ cao thì doanh nghiệp thường thu hút bằng mức lương hấp dẫn và chế độ phúc lợi dồi dào cho cả gia đình lao động đó. Vì thế, trong trường hợp này, người lao động không cần sử dụng quyền lợi từ BHXH cho vấn đề ốm đau, thai sản...
Ngược lại, với lao động trình độ thấp, thiếu kỹ năng, thì BHXH phát huy vai trò an sinh xã hội rất rõ. Theo cơ chế thu phí BHXH dựa trên mức lương thì người có thu nhập cao (chủ yếu là lao động có trình độ cao hay kỹ thuật cao) phải đóng phí cao, lại thường ít sử dụng quyền lợi từ BHXH. Trong khi đó, người có thu nhập thấp, đóng phí thấp lại cần sử dụng BHXH để tiếp cận y tế, trợ cấp. Vì vậy, bài toán được đặt ra cho quỹ BHXH và Nhà nước là làm sao có thể duy trì quỹ BHXH cân bằng hay thặng dư.
Nhìn từ Thái Lan
Thái Lan rất cần lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Nguồn lao động này phần lớn “nhập khẩu” từ các nước láng giềng trong khu vực, chủ yếu từ Myanmar, Lào và Campuchia, theo hợp đồng nhập khẩu lao động song phương. Mỗi năm, có hơn 1,5 triệu lao động nước ngoài có giấy phép và khoảng 2 - 3 triệu lao động không có giấy phép đến Thái Lan làm việc, tương đương 8,5% lao động trong nước.
Theo luật pháp Thái Lan, chủ lao động phải đăng ký BHXH và đóng phí với tỷ lệ người lao động 5%, doanh nghiệp 5% và nhà nước 2,75% theo mức lương. Sau khi đóng BHXH, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi khi thai sản, vô sinh, đau ốm hoặc chấn thương, tàn tật, hoặc tử vong không do lao động, tuổi già hay thất nghiệp.
Ngoài ra, luật còn quy định người sử dụng lao động đóng thêm 0,2 - 1% mức lương của người lao động cho quỹ bồi thường theo mức độ rủi ro của công việc. Lao động nước ngoài có thể nhận tiền hưu trí khi về hưu đúng 55 tuổi, đã nộp tiền BHXH hơn 10 năm và không có nhu cầu quay lại Thái Lan làm việc nữa.
Tuy vậy, cũng có trường hợp ngoại lệ không cần đóng BHXH là lao động giúp việc, lao động cho nông nghiệp theo mùa và ngắn hạn... Những trường hợp này có thể tham gia bảo hiểm y tế theo quy định của Bộ Y tế.
Trên thực tế, nhóm lao động trình độ thấp có thể không được hưởng quyền lợi vì doanh nghiệp cố gắng giảm thiểu chi phí lao động bằng cách chỉ thuê lao động ngắn hạn. Còn nhóm trình độ cao thì ít có vấn đề hơn do các doanh nghiệp cố gắng đưa ra nhiều chính sách phúc lợi để thu hút.
Nhìn chung, BHXH là cần thiết để tạo sự an tâm làm việc, sinh sống ở các nước. Tuy nhiên, để thực hiện chính sách hiệu quả thì còn nhiều vấn đề cần cân nhắc vì chính phúc lợi cần thiết này có thể tạo chi phí cao hơn đáng kể cho các bên liên quan. Vì vậy, có thể xem xét và phân loại lao động nước ngoài trước khi thực hiện chính sách.