Thách thức và khó khăn ở Mobifone đối với tân Chủ tịch Nguyễn Mạnh Thắng
Thách thức và khó khăn ở Mobifone đối với tân Chủ tịch HĐTV (Ảnh minh họa: Mobifone) |
Ngày 16/8/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Lễ trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông MobiFone đối với ông Nguyễn Mạnh Thắng.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng là thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) từ tháng 11/2014.
Trước đó ngày 7/6, Bộ TT&TT đã công bố quyết định điều chuyển Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty MobiFone Lê Nam Trà về công tác tại Văn phòng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ông Nguyễn Mạnh Thắng về nhậm chức tại Mobifone trong khi doanh nghiệp đang đối mặt không ít khó khăn về tình hình kinh doanh với sự cạnh tranh gay gắt của ngành viễn thông. Bên cạnh đó, việc thanh tra thương vụ AVG vẫn chưa có kết luận cùng cổ phần hóa còn bỏ ngỏ đang là những thách thức đối với tân Chủ tịch HĐTV của Mobifone.
Cạnh tranh gay gắt trong ngành viễn thông, kết quả kinh doanh Mobifone suy giảm
MobiFone đã có quãng thời gian kinh doanh khá khó khăn từ năm 2012 - 2015. Cụ thể, doanh thu của MobiFone đã giảm 20% từ mức 41.368 tỷ đồng xuống còn 33.001 tỷ đồng. Đây được coi là giai đoạn có sự cạnh tranh gay gắt của ngành viễn thông Việt Nam.
Kết quả kinh doanh của MobiFone qua các năm (Đơn vị: tỷ đồng) |
Dưới thời Chủ tịch Lê Nam Trà, năm 2016, doanh thu của MobiFone bắt đầu tăng trưởng trở lại khoảng 16% so với năm 2015, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế lao dốc đến 25%.
Như vậy, lợi nhuận trước thuế năm 2015 và 2016 đều giảm lần lượt 5% và 25%. Nguyên nhân được lý giải bởi thị trường viễn thông Việt Nam đang bắt đầu rơi vào trạng thái bão hòa do số thuê bao vượt số dân cùng cạnh tranh giữa các nhà mạng ngày càng khốc liệt.
Năm 2016, Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel ghi nhận doanh thu đạt 226.558 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 43.200 tỷ đồng đều hoàn thành 100% kế hoạch. Tổng công ty Viễn thông MobiFone có doanh thu ước đạt 38.439 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2015. Lợi nhuận trước thuế năm 2016 ước đạt 5.204 tỷ đồng. |
Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông từ ba ông lớn viễn thông (Viettel, Mobifone, VNPT), năm Mobifone có mức lợi nhuận trước thuế đứng 2 sau Viettel và quy mô doanh thu đứng ở vị trí thứ 3.
Năm 2017, MobiFone đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 44.205 tỷ đồng, tăng 16%; lãi trước thuế công ty mẹ đạt 5.589 tỷ đồng. Trong quý I, Mobifone ghi nhận 9.226 tỷ đồng doanh thu và 1.254 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Tiến sĩ Vũ Trọng Phong đưa ra quan điểm trên Tạp chí Tài chính cho biết thị trường dịch vụ viễn thông năm 2017 sẽ rơi vào bão hòa, việc cạnh tranh giữa các nhà mạng để phát triển thuê bao và tăng thị phần sẽ ngày càng khốc liệt. Các doanh nghiệp viễn thông cần phải thấy rõ rằng mô hình kinh doanh viễn thông cố định và di động hiện nay của Việt Nam là không phù hợp với xu thế chung của thế giới.
Vẫn chưa có kết luận thanh tra về thương vụ mua AVG
Trong thời gian ông Trà làm Chủ tịch HĐTV, MobiFone có một thương vụ thâu tóm đình đám, đó là mua 95% vốn Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG). Theo báo cáo tài chính riêng năm 2016 MobiFone công bố, giá trị thương vụ được kê khai là 8.889,8 tỷ đồng.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tiến hành thanh tra toàn diện việc MobiFone mua 95% cổ phần AVG, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Kết luận thanh tra vụ việc đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức.
Mới đây, ngày 31/7, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức phiên họp thứ 12 dưới sự chủ trì của Trưởng ban - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, Tổng bí thư yêu cầu Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai về trách nhiệm trong dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.
Chật vật cổ phần hóa
Cuối năm 2014, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức ký ban hành Quyết định thành lập Tổng công ty Viễn thông MobiFone trên cơ sở tổ chức lại Công ty TNHH Một thành viên Thông tin di động. Lúc đó, MobiFone có vốn điều lệ là 15.000 tỷ đồng.
Chính phủ cũng bày tỏ quyết tâm cổ phần hóa MobiFone bằng đề án tái cơ cấu VNPT năm 2014, theo đó đưa MobiFone từ một doanh nghiệp trực thuộc VNPT thành một tổng công ty trực thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông.
Bộ Thông tin & Truyền thông thành lập Ban chỉ đạo và tổ giúp việc Ban chỉ đạo cổ phần hóa MobiFone. Dự kiến, Bộ sẽ bán tối thiểu 35% vốn tại MobiFone, Nhà nước sẽ nắm giữ từ 50% đến dưới 65% vốn. Toàn bộ số tiền thu được, theo định hướng sẽ để tái đầu tư cho VNPT.
Tuy nhiên, suốt từ năm 2014 đến nay, nhiều lần lãnh đạo Bộ tuyên bố sẽ sớm đẩy nhanh cổ phần hóa nhưng hiện tại, kế hoạch này vẫn chỉ dừng lại ở các phát ngôn.
Mới đây, theo kế hoạch của Bộ TT&TT, trước ngày 31/8, Bộ sẽ xem xét phê duyệt phương án cơ cấu lại MobiFone và thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại đối với VNPT.
Thủ tướng cũng đã phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm trong giai đoạn 2017 - 2020 và yêu cầu MobiFone sẽ hoàn thành cổ phần hóa vào năm 2018.
Tổng giám đốc Tô Hải khẳng định VCSC không phải là đơn vị tư vấn thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG Ông Tô Hải khẳng định VCSC không phải là đơn vị tư vấn trong thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, mà chính là ... |
MobiFone và VTC sẽ hoàn thành cổ phần hoá vào năm 2018 Bộ TT&TT vừa thành lập Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ TT&TT giai đoạn 2016 – 2020. Ban Chỉ đạo ... |
Tổng Bí thư chỉ đạo làm rõ vụ Mobifone mua AVG Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng khẩn trương thanh tra, kết luận rõ ... |