|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thách thức Ngân hàng số: Thay đổi thói quen người dùng mới là vấn đề cần được ưu tiên

15:20 | 14/06/2019
Chia sẻ
Đại diện của các ngân hàng thương mại cho rằng việc thay đổi thói quan người tiêu dùng là thách thức lớn nhất đối với sự phát triển của ngân hàng số hiện nay.
biz 2

Tọa đàm "Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc biêt" (Nguồn: BizLIVE).

Sáng nay (14/6), tọa đàm "Ngân hàng số thúc đẩy phát triển những hệ sinh thái đặc thù" đã bàn về những cơ hội và thách thức của thị trường ngân hàng số với sự tham gia của  Chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Cấn Văn Lực và đại diện nhiều ngân hàng thương mại (NHTM).

Cơ hội và thách thức

Theo thông tin trao đổi trong toạ đàm, nhóm các NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Qui mô lợi nhuận trước thuế của 17 NHTM tăng từ 37.787 tỉ đồng vào năm 2015 lên 85.089 tỉ đồng năm 2018. Đồng thời, số dư nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng đã giảm đáng kể từ 17% năm 2012 xuống còn 10,08% năm 2016 và giảm tiếp còn 7,36% cuối năm 2017, cuối cùng đạt 5,88% vào tháng 4/2019. 

Đáng chú ý, trong bối cảnh nền kinh tế đang đi vào thời đại công nghệ 4.0, các dịch vụ ngân hàng số, chuyển đổi số, tiêu dùng số đang được đẩy mạnh nhanh chóng để tăng cường cạnh tranh, gia tăng trải nghiệm của khách hàng, hướng đến nền kinh tế "không tiền mặt" theo định hướng của Chính phủ.

Nhu cầu sử dụng các dịch vụ công nghệ số đang bùng nổ và xu hướng tăng trưởng này  không phải là trào lưu, theo chuyên gia Cấn Văn Lực.

Ông cho rằng hiện nay thị trường "mặn mà" với ngân hàng số là do nhiều nguyên nhân như sự kì vọng của khách hàng trong chính trải nghiệm người dùng; xu hướng áp dụng công nghệ cao nhằm tạo ra giá trị gia tăng từ phía NHTM; áp lực khi Chính phủ hướng đến chuyển đổi số trong nền kinh tế; nhu cầu tồn tại và cạnh tranh và các áp lực tài chính mà các NHTM đang phải đối mặt.

tscanvanluc_xzra

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia tài chính (Nguồn: BizLIVE).

Chuyên gia cho biết hiện có 4 nội dung cần số hóa đó là kênh phân phối, mạng lưới thẻ, tự động hóa qui trình, số hóa dịch vụ trên nền tảng xã hội và chuyển đổi dữ liệu phục vụ mục đích quản lí. Đây được coi là cơ hội cũng như thách thức đối với các NHTM khi muốn chuyển đổi số trong cách vận hành cũng như thói quen tiêu dùng số của người dân. 

Ông Lực nhấn mạnh rằng một khi nắm bắt được công nghệ, các NHTM sẽ có bước đà quan trọng để phát triển đột phá. Tuy nhiên, họ cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định khi mà hành lang pháp lí về cơ sở dữ liệu chưa được xây dựng triệt để và việc thay đổi thói quen của người dân. Ngoài ra, sự thiếu hụt về nhân tài trong lĩnh vực này và khả năng đầu tư công nghệ nhằm an toàn bảo mật từ phía NHTM cũng là vấn đề đáng quan tâm.

Chuyên gia cho biết một khi tự động hóa, các ngân hàng và doanh nghiệp sẽ giảm được 30 - 80% chi phí.

Bên cạnh đó, bà Lê Thị Diễm Phương, Giám đốc Phát triển thẻ doanh nghiệp và phát triển đại lý Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) của VPBank, nhấn mạnh ngân hàng số sẽ là một trong những sản phẩm chiến lược của các NHTM khi cho biết chi phí xử lí tiền mặt chiếm đến 4,7 - 15% tổng chi phí của ngân hàng. 

Với sự ra đời của Bizpay, một dịch vụ ngân hàng số đang được VPBank triển khai, đã giảm đi 28% chi phí trong vài tháng đầu vận hành. Sản phẩm hướng đến đối tượng là các doanh nghiệp, nhằm cung cấp hệ thống thanh toán và thu hộ chủ động, quản lí dòng tiền cho các doanh nghiệp tham gia.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phạm Đình Vũ - Chánh văn phòng công tác Hiệp hội Doanh nghiệp VCCI cho rằng nhiều doanh nghiệp hiện nay chưa nhận thức được sâu sắc xu hướng chuyển đối số của nền kinh tế, hoặc nếu có họ cũng chưa đủ nguồn lực để áp dụng. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định đây là xu hướng chung nên sớm muộn gì doanh nghiệp cũng phải thích ứng và thay đổi.

Thay đổi thói quen người dùng mới là vấn đề được ưu tiên

Nói về chiến lược nhằm thay đổi thói quen của khách hàng, ông Trần Quốc Anh - Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân của HDBank cho rằng đó là cả một vấn đề bởi vì chỉ một vài trục trặc trong lúc rút tiền có thể khiến người dùng Việt lo ngại, thậm chí chỉ trích chất lượng dịch vụ. Đặc biệt là các dịch vụ số hóa tự động khi giao dịch mà không có hỗ trợ vật lý của nhân viên ngân hàng.

VPB

Ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc cao cấp Ngân hàng số của VPBank (Ảnh: NH).

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Chiến Thắng - Giám đốc cao cấp Ngân hàng số của VPBank cho rằng niềm tin và trải nghiệm từ khách hàng mới là yếu tố được nhiều NHTM. Ông cho biết các dịch vụ sắp được tung ra của VPBank sẽ tập trung vào yếu tố này.

Trao đổi về hướng đi của TPBank trong mảng số hóa dịch vụ, ông Trần Hoài Nam - Giám đốc Ngân hàng số của TPBank cho rằng việc số hóa không khác gì một mảng kinh doanh, trong đó có số hóa từ sản phẩm, kênh bán, trải nghiệm khách hàng cho đến những rủi ro bảo mật đi kèm cần được quản trị. "Niềm tin và trải nghiệm của khách hàng thực sự là một thách thức trong quá trình thiết kế và ứng dụng dịch vụ số của ngân hàng", ông nói.

Ông chia sẻ ngân hàng đang chờ đợi để chớp thời cơ phát triển thay vì đi đầu để thành "ông lớn", thì TPBank chọn cách đồng hành với người dùng để hiểu họ.

Ông Nam khẳng định TPBank đang đi đúng chiến lược đã đề ra và không ngại thay đổi trươc bối cảnh "bùng nổ" số hóa. Chứng minh cho điều này là sản phẩm Livebank - một dạng kiot giúp khách hàng giao dịch ở mọi nơi như tại quầy.

Ngọc Huyền