Thách thức mới của Thủ tướng Anh trong vấn đề Brexit
Hậu Brexit: Nước Anh sa sút, vậy ai hưởng lợi? | |
Thủ tướng Anh thăm Trung Quốc tìm cơ hội hậu Brexit | |
Giới quan chức và chuyên gia cảnh báo rủi ro kinh tế đối với Anh và EU hậu Brexit |
Thủ tướng Anh Theresa May. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đàm phán Brexit -việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)- sắp bước vào giai đoạn quan trọng, Thủ tướng Anh Theresa May lại phải đối mặt với cuộc "nổi loạn" mới từ những người thuộc phái hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ do những người này lo ngại bà sẽ thiên về hướng muốn giữ quan hệ gần gũi với EU.
Chính phủ Anh vừa có hai cuộc họp nội các quan trọng để thảo luận chốt lại việc Anh sẽ quyết định lựa chọn hướng đi nào trong tương lai. Sức ép đối với bà May vô cùng lớn, thậm chí tạp chí Spectator của đảng Bảo thủ đưa ra tựa đề "Dẫn dắt hay ra đi" như một thông điệp gửi tới bà May.
Viết trên twitter của mình, cựu Bộ trưởng phụ trách Brexit Lord Bridges cho rằng nhiệm vụ của lãnh đạo là phải quyết định sự lựa chọn hướng đi cho nước Anh.
Ông cho rằng những viên chức chính phủ, rất cần sự dẫn dắt chính trị, đã rất nỗ lực để lấp chỗ trống chính sách mà một số nhân vật trong đảng Bảo thủ, những người chống lại chương trình nghị sự Brexit thường chỉ trích.
Phản bác lại quan điểm này của ông Bridges, Nicholas Soames, một nhân vật có tiếng trong đảng Bảo thủ và là cháu của cố Thủ tướng lừng danh nước Anh Winston Churchill, viết trên twitter của mình "không có người lính tồi, chỉ có những sĩ quan kém".
Cách đây vài tuần, bà May dường như đã lập lại được sự ổn định bằng việc đạt được thỏa thuận tạm thời Brexit với 27 nước thành viên còn lại của EU về vấn đề ngân sách và các quyền của công dân.
Bài phân tích chuyên sâu trên tờ Financial Times ngày 5/2 cho rằng Chính phủ của bà May một lần nữa lại đang lại bị nhấn chìm trong khủng hoảng do cho rằng thiếu sự định hướng từ số 10 phố Downing và sự gia tăng lo ngại của những người theo phái hoài nghi châu Âu cho rằng bà May có thể sẽ nghiêng theo phe ủng hộ Brexit "mềm".
Trong khi nước Anh và EU đang chờ đợi bà May đưa ra đường hướng về quan hệ giữa Anh và EU, đối tác thương mại lớn nhất của Anh, thời hậu Brexit thì trong nội các Anh, ý kiến riêng giữa các bộ trưởng đối với vấn đề này là vô cùng khác biệt.
Tờ Financial Times bình luận do thiếu một sự dẫn dắt rõ ràng từ cấp cao nhất, vấn đề định hướng Brexit của Anh đã rơi vào tình trạng "ồn ào như chợ vỡ", "mạnh ai nấy nói".
Việc Ngoại trưởng Anh Boris Johnson phát biểu trên báo yêu cầu chính phủ xem xét chi thêm 100 triệu bảng Anh mỗi tuần cho hệ thống dịch vụ công (lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của mình), cũng như Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos về việc Anh đang tìm cách để "thay đổi ít nhất có thể" trong mối quan hệ với EU thời hậu Brexit khiến Văn phòng Thủ tướng phải lên tiếng cho biết phát biểu trên của cả hai ông đều không phải đại diện cho tiếng nói của chính phủ về vấn đề Brexit. Điều này khiến các quan chức tại EU đặt ra câu hỏi: "Vậy nghe ai trong chính phủ đây?".
Mối lo ngại ngày càng gia tăng trong giới chức cấp cao của Anh về khoảng trống chính sách. Những người này cho rằng những người ủng hộ Brexit nếu có quan điểm rõ ràng thì họ nên đưa ra chương trình nghị sự cụ thể cho vấn đề Brexit.
Tờ Financial Times bình luận việc đưa ra nhiều lựa chọn khác nhau giữa các quan chức đối với Brexit sẽ khiến chính trường Anh trở thành tấn hài kịch.
Việc giảm sút niềm tin của những người ủng hộ Brexit một phần xuất phát từ thực tế là không có sự thống nhất ý kiến giữa các bộ trưởng thuộc nhóm ủng hộ nước Anh "rời khỏi EU" đối với quyết định quan hệ Anh-EU sẽ đi theo hướng nào.
Tờ Financial Times cho rằng giống như Bộ trưởng Tài chính Hammond, Bộ trưởng phụ trách vấn đề Brexit của Anh David Davis đã nhiều lần bày tỏ quan điểm ủng hộ giải pháp lựa chọn Brexit "mềm" vì cho rằng đó là cách để giảm thiểu tác động của Brexit lên khối doanh nghiệp.
Ông Davis đã bị Jacob Rees-Mogg, Chủ tịch nhóm ủng hộ "rời khỏi EU" trong đảng Bảo thủ, chỉ trích rằng nội dung đàm phán thỏa thuận thời kỳ chuyển đổi như vậy sẽ khiến nước Anh bị rơi vào tình trạng "lệ thuộc" vào EU do vẫn phải tuân theo các luật lệ của EU.
Văn phòng Thủ tướng Anh ngày 5/2 cho biết bà May muốn nước Anh ra khỏi liên minh thuế quan với EU, nhưng bà chưa nói rõ rằng sẽ muốn quan hệ thuế quan hai bên theo hình thức nào.
Đối với những người theo trường phái hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ lo ngại khi Anh kết thúc thời kỳ chuyển đổi thì nước này có thể lại để ngỏ việc tiếp tục giữ nguyên trạng với liên minh thuế quan như hiện nay, nghiêng về hướng phát triển kỹ thuật đường biên mới và ký những thỏa thuận thương mại với nước thứ ba để làm giảm tổn thất kinh tế do Brexit gây ra.
Việc kéo dài tư cách thành viên của liên minh thuế quan EU được những người thuộc phe ủng hộ ở lại trong EU của đảng Bảo thủ ủng hộ vì theo phân tích báo cáo, các thỏa thuận thương mại của Anh với các nước thuộc bên thứ ba gồm Mỹ và các đối tác khác cũng không bù đắp được thiệt hại kinh tế mà Anh gặp phải từ các rào cản của EU.
Theo BuzzFeed, bất cứ kịch bản Brexit nào thì Anh cũng sẽ bị ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong 15 năm tới, với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính thấp hơn 2% nếu theo mô hình thỏa thuận thị trường đơn lẻ kiểu Na Uy (khả năng này đã bị bà May bác bỏ) và mất tới 8% GDP nếu như chọn phương án Brexit "cứng", tức là sẽ không đạt được thỏa thuận nào với EU, theo đó Anh sẽ trao đổi thương mại với EU dựa trên các nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Sự im lặng của bà May đối với vấn đề Brexit và việc không kiểm soát được chính phủ có thể sẽ dẫn đến sự bùng nổ thách thức ngôi vị lãnh đạo của Thủ tướng trước khi bà bước vào cuộc đàm phán về nội dung quan hệ Anh-EU trong tương lai.
Những cuộc đàm phán này dự kiến sẽ diễn ra vào mùa Xuân năm nay và kết thúc vào cuối năm. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ cho rằng bà May sẽ vẫn tại vị ít nhất là đến khi Anh rời EU vào tháng 3/2019.
Những người thuộc phe hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ dù bất bình với bà May, nhưng cũng lo ngại sự mất đoàn kết trong đảng Bảo thủ và một cuộc tổng tuyển cử sớm có thể sẽ dẫn đến ngôi vị lãnh đạo của đảng Bảo thủ tuột mất.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU tại cuộc họp thượng đỉnh hồi tháng 10/2017 đã thống nhất quan điểm cùng nhau giúp bà May vì lo ngại nếu bà May mất chức, có thể một người khác mà họ không ưa thích, chẳng hạn như Ngoại trưởng Johnson, lên làm Thủ tướng Anh.
Nghị sĩ Soubry cho rằng nếu như những hỗn loạn về chính sách đối với vấn đề Brexit hiện nay tiếp tục diễn ra và sự kiên nhẫn của phe hoài nghi châu Âu trong đảng Bảo thủ sẽ mất đi nếu như bà May tỏ ra nhượng bộ đối với vấn đề Brexit.