TGĐ CII không thể trả lời vấn đề NBB công bố bán gần 1/2 công ty
Thông tin này của ông Lê Quốc Bình khá bất ngờ và đi ngược với những diễn biến hướng đến việc “về chung một nhà” của cặp đôi cổ phiếu CII và NBB trong 2 năm gần đây.
Theo đó, câu chuyện CII “thâu tóm” NBB đã bắt đầu từ năm 2015 khi các bên "mở lời" công khai với cổ đông của cả 2 công ty ở kỳ Đại hội cổ đông thường niên năm 2015.
Tuy nhiên, việc CII tham gia vào NBB tạm gác lại trong năm 2016 vì hai bên chưa thể thống nhất phương án mua cổ phần phát hành thêm.
Tại buổi họp ngày 15/2/2017, HĐQT CII đã phê duyệt kế hoạch chi tiết thành lập CII Land trên cơ sở tăng tỷ lệ sở hữu của CII tại NBB lên trên 51%.
Ngày 29/3/2017, tại ĐHCĐ thường niên năm 2017 của NBB, ông Lê Quốc Bình với tư cách cổ đông lớn đã chất vấn HĐQT NBB một số vấn đề như: Qua nhiều năm, NBB vẫn vận hành mô hình giám đốc dự án/tài chính, vậy ai là người lãnh đạo? NBB nên tổ chức ĐHCĐ để sửa đổi điều lệ để phân định Tổng Giám đốc, Giám đốc các bộ phận.
NBB cũng chưa làm tốt công tác quan hệ nhà đầu tư, không tổ chức roadshow, do đó ông Bình nêu cần thay máu nhà đầu tư để nhà đầu tư mới vào, tạo thanh khoản tốt hơn, khiến giá cổ phiếu tăng.
Về chính sách với nhân viên, ông Bình cho rằng NBB cần phát hành ESOP để cổ vũ nhân viên hoàn thành kế hoạch, để họ nỗ lực hơn.
Đại diện CII cũng đề nghị được biết kế hoạch tài chính 3 năm tới để có thể đánh giá được độ tin cậy cũng như có tầm nhìn dài hạn với NBB.
Về số cổ phần lẻ sau phát hành, đại diện CII đề nghị không giao cho HĐQT quyết định mà tổ chức đấu giá, lấy giá pha loãng cộng thêm 7% làm giá đấu để thu được tiền tốt hơn.
Ngày 5/1/2018, CII công bố nâng sở hữu tại NBB lên hơn 33% và là cổ đông lớn nhất của NBB.
Các dự án NBB dự định triển khai 2017 - 2020 |
Theo một chuyên gia về tài chính chứng khoán, CII vốn có thế mạnh trong mảng đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT và BT. Trong thời gian gần đây, CII thắng thầu đầu tư hạ tầng tại dự án Thủ Thiêm theo hình thức BT và đổi lại chính quyền TP.HCM đã chấp thuận cho CII sử dụng 5,1 ha đất ở khu vực Thủ Thiêm để xây dựng nhà ở, văn phòng và còn có khả năng lên đến 10 ha trong thời gian đến. Song song đó, CII đang chuẩn bị triển khai 2 dự án bất động sản với tổng vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Và với ba dự án bất động sản trên, theo thông tin do ông Lê Quốc Bình chia sẻ tại đại hội cổ đông năm 2017, lãi ròng của CII trong hai năm 2017 và 2018 sẽ phụ thuộc vào kinh doanh bất động sản. Theo đó, năm 2017, kế hoạch lợi nhuận sau thuế của CII kỳ vọng đạt 1.279 tỷ đồng, trong đó bất động sản chiếm 53% và năm 2018 đạt 1.678 tỷ đồng (bất động sản chiếm 49%).
Tuy nhiên CII không có thế mạnh trong mảng hoạt động này. Do đó, họ cần hợp tác với một doanh nghiệp có kinh nghiệm xây dựng và khả năng tối ưu hóa giá thành. Mặt khác, do hoạt động đa ngành, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn, nên CII không thể đủ nguồn lực chia sẻ thêm cho mảng bất động sản.
Nhưng để gọi được vốn, CII buộc phải có một công ty con niêm yết trên sàn chứng khoán để minh bạch thông tin. CII hoàn toàn có thể thành lập một công ty mới, nhưng sẽ tốn thời gian hoàn tất thủ tục niêm yết và có khả năng bỏ lỡ cơ hội trong khi thị trường đang tăng trưởng tốt…
Thực tế, mối quan hệ giữa NBB và CII rất thân thiết khi hai bên đã có nhiều mối quan hệ hợp tác trong một số dự án như De Lagi (Bình Thuận), Diamond Riverside (Quận 8). Công ty NBB cũng từng mua lại công ty con của CII là Công ty Trường Thuận Phát, đơn vị sở hữu miếng đất 0,6 ha tại Thủ Thiêm với giá 450 tỉ đồng. Thương vụ này, CII đã kiếm được khoản lợi nhuận lên đến 150 tỉ đồng.