Tăng trưởng thấp cần 'cẩn trọng' với lạm phát cao!
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng, cùng nhiều chuyên gia kinh tế đã có những cảnh báo như vậy tại một hội nghị bàn về giải pháp tăng trưởng nền kinh tế mới đây.
Theo ông Lực: Bối cảnh tăng trưởng thấp quý I/2017 của Việt Nam đặt trong nhiều thách thức, đó là cải cách khu vực công đang ngưng trệ, lạm phát chi phí đẩy nhiều hơn cầu kéo; tăng trưởng tín dụng cao, lãi suất và tỷ giá luôn biến động...
Tăng trưởng thấp, lạm phát cao là vấn đề hai mặt của nền kinh tế đang gặp phải (ảnh minh hoạ)
Lạm phát vì nhiều dịch vụ công đang tăng giá
Bên cạnh đó, "vấn đề của một nước Mỹ mới" với chính sách tăng lãi suất đồng USD, bảo hộ thị trường và hạn chế xuất khẩu tư bản... đã và đang ảnh hưởng lớn đến các nước đang phát triển, tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư nước ngoài lớn như Việt Nam.
Ông Lực cho hay: Mức lạm phát quý I/2017 đang ở ngưỡng gần 5% dù là mức thấp song trong các nguyên nhân thì chính yếu nhất khiến lạm phát tăng cao là giá hàng hóa dịch vụ công: giao thông, y tế, giáo dục. Nếu các quý tiếp theo những hàng hóa này tiếp tục tăng giá, chắc chắn lạm phát sẽ tăng, sức khỏe DN sẽ bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, nền kinh tế năm 2017 quay trở lại trạng thái nhập siêu lớn dù có điểm mừng vì nhập khẩu thiết bị, linh kiện để sản xuất trở lại. Nhưng lo lắng hơn là nhập khẩu sắt thép, phân bón, ô tô, hàng tiêu dùng... đang tăng mạnh về lượng và kim ngạch. Điều này vừa làm tăng thâm hụt cán cân thương mại, vừa gây khó cho sản xuất của các ngành tương tự trong nước.
Về tiền tệ, lượng cung tiền từ quý I/2017 đã là 2,91%, cả năm 18%, hiệu ứng cải cách, Chính phủ mới muốn phấn đấu tăng trưởng có thể khiến lượng cung tiền ra thị trường sẽ lớn, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng lạm phát.
Theo TS Lực, đi đâu doanh nghiệp (DN) cũng kêu, lạm phát, lãi suất và tỷ giá đang là mối nguy cơ đối với họ. Trong khi đó, ngân sách đang có xu hướng thắt chặt hơn bằng việc ban hành nhiều chính sách thu từ Bộ, ngành đến địa phương. "Mức lạm phát hơn 49,%, tôi khẳng định là không thể chủ quan được, đặc biệt là giá dịch vụ công đang tăng rất mạnh và trong các mặt hàng Chính phủ bình ổn giá, năm nay giá điện sẽ được ưu tiên tăng", ông Lực nói.
Xuất khẩu tổn thương vì chủ nghĩa bảo hộ gia tăng
TS Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Từ nay đến cuối năm nền kinh tế phải dè chừng vì nhập khẩu gia tăng, xuất khẩu giảm đi do Mỹ đang xây dựng một hàng rào bảo hộ hàng hóa trong nước, trong khi xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này khá lớn.
Ngược lại, ông Ân cũng cho rằng: Với hàng hóa nhập khẩu, ứng xử của Việt Nam khá chậm trong việc dựng các rào cản phi thuế quan, bảo vệ sản xuất trong nước như: sắt thép, phân bón, xe ô tô nhập khẩu giá rẻ ồ ạt vào Việt Nam, khiến nhiều DN trong nước điêu đứng. Chúng ta không làm gì được khi biết họ bán giá rẻ để phá sản xuất trong nước. Trong khi nền kinh tế có hơn 26.000 doanh nghiệp thành lập mới trong quý I/2017 thì cũng có hơn 23.000 DN giải thể, dừng hoạt động, trong đó phần lớn là DN nhỏ và vừa.
Ông Ân nói: "Năm ngoái chúng ta có hàng loạt cuộc họp nói về công nghiệp hỗ trợ, mọi vấn đề, giải pháp đều được đào xới. Năm nay, chúng ta nhấn mạnh vào khởi nghiệp. Cái cũ chưa giải quyết được, chúng ta lại đưa vấn đề cái mới ra. Theo tôi, chính sách cần được nhất quán, có trọng tâm trọng điểm. Nợ xấu, công nghiệp hoá, gia tăng giá trị xuất khẩu nền kinh tế, tái cấu trúc DN nhà nước, cổ phần hóa chững lại, chúng ta vẫn không giải quyết được những vấn đề khúc mắc của nền kinh tế".
TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Phát triển, Bộ KH&ĐT nói: Quý I/2017 lạm phát tăng cao 4,9%, đây là nằm ngoài dự báo bởi tăng trưởng GDP không đạt kỳ vọng, sao lạm phát lại cao?
Ông Hồ cho rằng: Khi phân tích ra thấy là do tăng giá nhiều chi phí cố định, đây là dấu hiệu không tốt của gánh nặng chi phí cố định, chi phí phi thị trường. Nếu cứ để việc này xảy ra trong cả năm nay, có thể chúng ta quay trở lại vòng xoáy những năm giai đoạn 2010-2012 khi nền kinh tế tăng trưởng chậm, nhưng lạm phát vẫn cao.