|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam và bài toán môi trường

07:32 | 06/03/2017
Chia sẻ
Việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đạt các chỉ tiêu Việt Nam đã cam kết có thể đòi hỏi áp dụng những công nghệ mới đắt hơn so với công nghệ truyền thống. Tuy nhiên về lâu dài, đầu tư cho công nghệ mới sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. 
tang truong kinh te viet nam va bai toan moi truong Thủ tướng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ trách nhiệm vụ Formosa
tang truong kinh te viet nam va bai toan moi truong Tác hại ghê gớm của nhiệt điện than đến môi trường biển

Việt Nam đang được đánh giá là nền kinh tế triển vọng trên thế giới. Năm 2016, kinh tế cả nước tăng trưởng 6,2%, cao nhất khu vực ASEAN. Tuy nhiên, thành tích này lại có "đóng góp" không nhỏ bởi than đá, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo "Báo cáo cập nhật hai năm một lần lần thứ nhất của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu" năm 2014 , lượng khí thải carbon bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 5 lần trong giai đoạn 1994-2014.

Sự phụ thuộc của Việt Nam vào than đá

Biến đổi khí hậu toàn cầu là mối đe dọa lớn với Việt Nam. Trong những thập kỷ tới, mực nước biển dâng cao được dự đoán là sẽ nuốt trọng hầu hết diện tích đồng bằng sông Cửu Long - nguồn cung thực phẩm lớn của cả nước.

Tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, các chuyên gia môi trường đã bày tỏ quan ngại cho thấy than là nguồn nhiên liệu bẩn nhất được sử dụng để phát điện. Tuy nhiên, do giá thành thấp, Việt Nam có kế hoạch tăng công suất phát điện chạy bằng than đá với một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới.

Trong năm 2016, các nhà máy điện đốt than đang được xây dựng tại Việt Nam có tổng công suất hơn 12 GW (tương đương khoảng 12 lò phản ứng điện hạt nhân). Thêm 60 GW công suất điện đốt than đang được lên kế hoạch cho tới năm 2030, so với công suất phát điện hiện tại là 39 GW.

Việc sử dụng điện tại Việt Nam đang tăng, với mức tăng trưởng ước tính 10-12%/năm cho tới 2020. Con số này gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trong những năm gần đây của cả nước, vốn dao động ở mức 6%.

Điều này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam có cam kết chính thức tại Hiệp ước Biến đổi khí hậu Paris. Theo đó, các nước bắt buộc sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, chiếu sáng hiệu suất cao (ví dụ như đèn LED), gạch tiết kiệm năng lượng và công nghệ làm xi măng cho lĩnh vực xây dựng.

Bên cạnh đó, các bên cũng cam kết chuyển sang sử dụng giao thông công cộng nhiều hơn, chẳng hạn như tuyến tàu điện ngầm được Nhật Bản tài trợ đang được xây dựng tại TP.HCM.

tang truong kinh te viet nam va bai toan moi truong
Biến đổi khí hậu toàn cầu là mối đe dọa lớn với Việt Nam. Ảnh: Weste.

Sử dụng công nghệ sạch để phát triển kinh tế

Các quốc gia phát triển như Mỹ, Singapore, Nhật Bản hay các quốc gia châu Âu đã có động thái tách bạch giữa việc phát triển kinh tế và cắt giảm chất thải. Năm 2014, tại “Hội nghị thượng đỉnh Biến đổi khí hậu toàn cầu”, Thủ tướng anh lúc đó là ông David Cameron đã tuyên bố rằng sẽ không có sự đánh đổi giữa môi trường và phát triển kinh tế. Ông Cameron cũng kêu gọi các nước trên thế giới đoàn kết lại cùng nhau chấm dứt sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tuyên bố của ông Cameron nhận được sự hưởng ứng từ Tổng thống Mỹ khi đó là ông Obama. Nhận định của ông Cameron không phải là không có cơ sở, khi hàng loạt công nghệ mới ra đời hứa hẹn cung cấp năng lượng thay thế và giảm sự ảnh hưởng tới môi trường. Có thể kể đến năng lượng hạt nhân thế hệ mới, hay phản ứng nhiệt hạch, hứa hẹn sẽ ngăn chặn sự biến đổi khí hậu toàn cầu.

Trên thực tế, việc giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đạt các chỉ tiêu Việt Nam đã cam kết có thể đòi hỏi áp dụng những công nghệ mới đắt hơn so với công nghệ truyền thống. Theo phân tích từ Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam, điều này đòi hỏi đầu tư nhiều hơn và trước mắt có thể ảnh hưởng nguồn lực đầu tư cho các mục tiêu khác. Tuy nhiên về lâu dài, việc đầu tư cho công nghệ mới sẽ giúp tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Nhìn lại lịch sử, các nước châu Âu phụ thuộc vào than đá để phục hồi và phát triển kinh tế đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Gần đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã yêu cầu chấm dứt trợ cấp tài chính cho ngành khai thác than đá. Tại nước Anh, 2 mỏ than cuối cùng đã đóng cửa vào cuối năm 2015.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về môi trường tháng 8/2016, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà nhận định môi trường Việt Nam đang chịu nhiều áp lực lớn từ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, theo dòng thương mại quốc tế và tác động xuyên biên giới. Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đã đến lúc thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân.

Tô Đức