Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có thể giảm còn 6,5 – 6,8% trong năm nay
Vượt Trung Quốc, Singapore trở thành nhà đầu tư bất động sản châu Á lớn nhất tại Mỹ | |
Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2010 |
“Thiên nga đen” – các biến cố bất ngờ, và “tê giác xám” – những mối đe dọa rõ ràng nhưng bị phớt lờ, có khả năng xảy ra trong năm nay với nhiều hậu quả nghiêm trọng, ông Fan Hengshan, phó tổng thư ký Hội đồng Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC), viết trong một bài bình luận trên Nhật báo Bắc Kinh.
Các công nhân làm việc trên một trụ điện tại Thanh Đảo, Trung Quốc. Nguồn: Stringer/Reuters. |
Kinh tế Trung Quốc ghi nhận tăng trưởng 6,9% trong năm 2017, cao nhất từ năm 2010, đồng thời vượt xa mục tiêu 6,5% của chính phủ. Đây là tin tốt lành đối với các nhà làm chính sách vốn đang nỗ lực hạn chế các rủi ro tài chính và cắt giảm nợ doanh nghiệp. “Theo ý kiến riêng của tôi, tăng trưởng kinh tế năm nay rất có khả năng vượt 6,5%, có thể trong khoảng 6,5 – 6,8%”, ông Fan viết.
Trong một bài báo khác của hãng tin tài chính Yicai vào ngày 29/1, cựu chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng trung ương Ma Jun cho biết tăng trưởng có thể giảm còn khoảng 6,5% trong năm nay, do doanh số nhà đất và đầu tư cơ sở hạ tầng sụt giảm.
Theo các nguồn tin riêng của Reuters, Trung Quốc sẽ giữ mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2018, không thay đổi so với năm ngoái. Các chuyên gia tham gia khảo sát của Reuters cũng dự báo tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm còn 6,5% trong năm nay khi các chính sách mạnh tay xử lý nợ và ô nhiễm môi trường kéo giảm hoạt động chung của nền kinh tế.
Ông Fan cho biết Trung Quốc sẽ tập trung xử lý các rủi ro trong năm nay, đặc biệt là các rủi ro có thể tác động đến nhiều khu vực và gây biến động mang tính hệ thống. “Để đạt được điều này, chúng ta phải thận trọng cao độ và nâng cao ý thức về sự cấp thiết”, ông cho biết.
Trả lời phỏng vấn Nhân dân Nhật báo hồi đầu tháng, một quan chức cấp cao ngành ngân hàng Trung Quốc cho biết các sự kiện “thiên nga đen” có thể đe dọa sự ổn định tài chính của nước này, đồng thời cho rằng các rủi ro này “phức tạp và nghiêm trọng” dù có thể kiểm soát được.
Các hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu như S&P và Moody’s đều hạ xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Trung Quốc trong năm 2017 do lo ngại về quá trình tích tụ nợ nhanh chóng sau nhiều năm nước này áp dụng chính sách kích thích tín dụng để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc cho biết việc S&P hạ xếp hạng tín nhiệm của nước này là “một quyết định sai lầm”, phớt lờ các yếu tố kinh tế cơ bản và tiềm năng phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.