Tăng giá điện do lỗ chênh lệch tỷ giá quá lớn, người mua không có quyền mặc cả?
Theo thông tin được Bộ Công Thương công bố ngày 30/11, giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng lên 1.720,65 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT) từ 1/12/2017, tương ứng tăng 6,08% so với giá bán điện bình quân hiện hành là 1.622,01 đồng/kWh.
Sau thông báo này, có rất nhiều câu hỏi đặt ra xoay quanh việc tăng giá điện bình quân trong khi hoạt động điện năm 2016 EVN lãi hơn 2.600 tỷ đồng.
Tại Hội thảo giải đáp các vấn đề về giá thành điện, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho rằng, theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân chính thức có hiệu lực ngày 15/8/2017.
Hàng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.
Hội thảo về vấn đề tăng giá điện ngày 1/12 tại Bộ Công Thương. |
Đồng thời, đại diện Công ty TNHH Deloitte Việt Nam cho hay, giai đoạn 2014 – 2016 EVN phải huy động vốn bằng ngoại tệ khá nhiều cho các dự án điện, do vậy tập đoàn đã chịu lỗ nặng từ khoản chênh lệch tỷ giá. Năm 2015 gây gánh nặng cho EVN lên tới 9.800 tỷ đồng.
Thông thường, việc phát sinh lỗ sẽ phải hạch toán ngay trong giá thành, tuy nhiên Bộ Tài Chính cho phép EVN phân bổ dần vào các năm để giảm bớt áp lực về giá điện. Năm 2017, một phần chênh lệch tỷ giá của giai đoạn 2015-2016 đã được đưa vào mức giá điều chỉnh.
Ông Tuấn nhận định việc tăng giá lần này đã thực hiện đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ, điều chỉnh giá thành điện căn cứ theo cơ chế thị trường phù hợp với yếu tố đầu vào (chi phí mua điện từ đơn vị phát điện, tỷ giá, sản lượng điện và cơ cấu nguồn huy động) và khoản chênh lệch tỷ giá còn lại sẽ được treo để phân bổ dần đến năm 2020.
Ông cũng cho biết thêm, việc điều chỉnh giá điện hiện nay ảnh hưởng không đáng kể đến kinh tế vĩ mô năm 2018 (mức độ tác động lên CPI khoảng 0,1% và với GDP là 0,66%). Ngoài ra, với những hộ nghèo tiêu thụ dưới 50kWh/tháng, Chính phủ sẽ có mức hỗ trợ 51.000 đồng/tháng.
Đứng trước vấn đề tăng giá điện,ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra khá bất ngờ. Ông nêu quan điểm: “Giá điện tăng không chỉ liên quan đến người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng tới các ngành sản xuất kinh doanh, nhiều mặt hàng có thể tăng giá theo. Tuy nhiên, người mua thì không có quyền mặc cả”.
Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam |
Ông Nguyễn Minh Đức, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – đơn vị tham gia báo cáo cùng EVN cho biết, giá điện không quy định theo nguyên tắc cung cầu do chúng ta chưa xây dựng được quy trình điện cạnh tranh và việc tính toán giá điện nên được thực hiện công khai, bãi bỏ các quy chế mật”.