|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Tài trợ tiền để lấy quyền đổi tên: Món đầu tư quảng cáo thương hiệu được nhiều tỷ phú lựa chọn

07:29 | 04/11/2021
Chia sẻ
Sự kiện một trường đại học ở Anh Quốc bày tỏ thiện chí muốn đặt tên trường theo tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo gần đây thu hút sự chú ý của dư luận trong nước. Song, điều này hoàn toàn không phải là mới tại các quốc gia phương Tây.
Tài trợ đổi lấy quyền đặt tên, điều không hề mới tại nước ngoài - Ảnh 1.

Linacre college bày tỏ thiện chí muốn đổi tên thành "Thao college" lấy theo nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sau khoản tài trợ lên tới 155 bảng Anh. (Đồ hoạ: Thuỳ Trang).

Tài trợ để lấy quyền đặt tên

Quyền đặt tên là một giao dịch tài chính và hình thức quảng cáo. Khái niệm này cho phép một công ty, cá nhân hoặc tổ chức muốn quyền đặt tên cho cơ sở, đối tượng, địa điểm, chương trình hoặc sự kiện trong một khoảng thời gian xác định, tùy thỏa thuận của hai bên.

Hình thức này có thể bắt gặp phổ biến nhất đối với các tài sản thuộc lĩnh vực thể thao, nghệ thuật biểu diễn như nhà thi đấu, sân vận động hay địa điểm biểu diễn. Và thời hạn thường kéo dài từ 3 đến 20 năm.

Hồi tháng 4, CLB bóng đá Barcelona (Tây Ban Nha) đã rao bán quyền đặt tên sân đấu nổi tiếng của họ, Camp Nou. Theo thông báo của Barca, việc đổi tên kỳ vọng sẽ giúp CLB thu về 300 triệu euro trả trước cho hợp đồng kéo dài 25 năm. Số tiền này được dùng vào việc cải tạo sân vận động và cơ sở vật chất. 

Đây làm một ví dụ về hình thức phổ biển cho quyền đặt tên. Ngoài các sân vận động, hình thức mua quyền đặt tên sân này còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực như đặt tên cho một giống loài mới, ngôi sao, tiểu hành tinh... Với các trường đại học, thông thường họ sẽ bán quyền đặt tên ở các địa điểm thuộc sở hữu của mình như sân vận động, thư viện, phòng nghiên cứu, chương trình học bổng,... 

Ở Mỹ, các trường đại học sử dụng quyền đặt tên cơ sở vật chất của họ như một cách tìm kiếm nguồn tiền tài trợ về cho trường. Năm 1992, sau khi nhận khoản tài trợ trị giá 100 triệu USD từ doanh nhân Henry Rowan, trường đại học thuộc Glassboro thuộc tiểu bang New Jersey (Mỹ) đã bày tỏ sự biết ơn và lấy tên vị doanh nhân này đặt cho trường.

Ông Henry Rowan yêu cầu trường chú trọng đầu tư đào tạo kỹ sư trong bối cảnh thiếu hụt nhân sự cho ngành sản xuất. Ông Rowan là doanh nhân sở hữu một trong những nhà sản xuất lò công nghiệp lớn nhất thế giới lúc bấy giờ.

Khoản đầu tư mang lại lợi ích cho cả hai

Các thương vụ mua bán quyền đặt tên sẽ mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Bên bán sẽ có thêm các khoản kinh phí phục vụ cho hoạt động của mình và phía mua cũng sẽ đổi lấy những lợi ích nhất định.

Điều đầu tiên có thể nhìn thấy chính là tên thương hiệu/người được đặt cho đối tượng sẽ trở nên phổ biến hơn, tăng cường độ nhận diện cho những cái tên này. Bên cạnh đó, đây cũng là một hình thức quảng cáo. Với lĩnh vực thể thao, các SVĐ sẽ xuất hiện trên sóng truyền hình, báo chí và dĩ nhiên cái tên của nó dù ít hay nhiều thì cũng được "hưởng lây", chưa kể đến sự chú ý của fan hâm mộ.

Quay trở lại câu chuyện của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, theo thông báo trên website chính thức, trường Linacre, thuộc hệ thống của Đại học danh tiếng Oxford cho biết đã ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Tập đoàn Sovico do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch để nhận một khoản tài trợ với tổng giá trị 155 triệu bảng Anh. Món quà này sẽ đóng vai trò tác động dẫn đến những thay đổi đối với ngôi trường thuộc Đại học Oxford này.

Biên bản ghi nhớ đã được ký kết tại Edinburgh (Scotland) vào Chủ nhật ngày 31/10 cũng đặt ra ý tưởng thành lập một trung tâm sau đại học mới cho sinh viên của Linacre và cấp học bổng sau đại học. Khoản quyên góp của bà Thảo sẽ được dành cho quỹ tài trợ chung của trường, qua đó nhằm giúp đỡ hỗ trợ các hoạt động hàng ngày của Linacre.

Sau khi nhận được khoản quyên góp đầu tiên trị giá 50 triệu bảng Anh, Ban giám hiệu sẽ trình ý kiến lên Hội đồng để xin phép đổi tên từ Linacre College thành Thao College nhằm mục đích ghi nhận món quà mang tính bước ngoặt này.

Từ câu chuyện này, có thể nhận thấy rằng việc trường Linacre đề nghị đổi tên thành "Thao College", lấy theo tên của Chủ tịch Sovico, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là một thiện chí từ trường khi nhận được khoản tài trợ trị giá 155 triệu bảng Anh.

Một điều cần phải hiểu rõ, với gần 60 năm thành lập, khối tài sản của trường chưa chạm tới 1/3 khoản tài trợ từ Sovico. Theo báo cáo tài chính tính đến tháng 7/2020, Linacre có tổng tài sản là hơn 32 triệu bảng Anh. Do đó, việc trường Linacre muốn lấy tên theo nữ tỷ phú đến từ Việt Nam là chuyện không có gì khó hiểu.

Tổng cộng khoản tiền tài trợ mà tập đoàn của bà chủ Vietjet dành cho trường đại học này đã phá kỷ lục trước đó của tỷ phú Stephen A. Schwarzman, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành, đồng sáng lập Tập đoàn Blackstone (Mỹ) ở Oxford.

Tỷ phú người Mỹ, Stephen Schwarzman đã quyên góp 188,75 triệu USD (150 triệu bảng Anh) để tài trợ cho nghiên cứu khoa học nhân văn tại Đại học Oxford. Đây là khoản quyên góp cá nhân lớn nhất cho trường đại học của Anh "kể từ thời kỳ Phục hưng".

Như vậy, chưa tính đến việc tên bà Thảo được biết tới rộng rãi hơn mà các thương hiệu mà nữ tỷ phú đang làm chủ như hãng hàng không VietJet Air cũng sẽ nhận được sự chú ý.  Ngoài ra, viện Đại học Oxford cũng cam kết xây dựng và thực hiện chiến lược loại bỏ phát thải khí CO2 cho tập đoàn SOVICO và các khách hàng, đối tác đến năm 2050.

Bên cạnh câu chuyện tên tuổi, động thái tài trợ cho đại học ở Anh của bà Thảo còn mang tới lợi ích cho nền giáo dục nước nhà. Trường Linacre dự định sẽ dành ra 7,5 triệu bảng Anh trong khoản tài trợ cho quỹ học bổng dành cho sinh viên Việt Nam và các nước trong khu vực, tạo điều kiện tiếp cận môi trường giáo dục hàng đầu thế giới tại Oxford. Như vậy, các sinh viên trong nước sẽ được mở rộng cơ hội tìm kiếm tri thức tại một trong những môi trường giáo dục bậc nhất thế giới như Đại học Oxford.

Thùy Trang