|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tại sao MSCI không nâng hạng chứng khoán Việt Nam?

14:39 | 03/07/2017
Chia sẻ
Về lâu dài, thị trường chứng khoán sẽ không thể phát triển nếu Việt Nam mãi nằm ở thị trường cận biên.

MSCI, tổ chức xếp hạng chứng khoán của Mỹ, gần đây đã không đưa Việt Nam vào danh sách các thị trường chứng khoán được xem xét nâng hạng. Đây là tin buồn cho Việt Nam, bởi cùng là thị trường cận biên nhưng Pakistan, China A (nhóm cổ phiếu hạng A của Trung Quốc) đã được nâng hạng lên thành thị trường mới nổi. Ả Rập Saudi, Argentina cũng đã có trong danh sách chờ duyệt. Riêng Việt Nam “trắng tay”, vẫn chưa được xếp vào diện xem xét.

Còn nhớ gần 3 năm trước, trong một cuộc trả lời báo chí, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), chia sẻ cơ quan này đã thành lập nhóm chuyên trách để nghiên cứu các điều kiện của MSCI và đưa chứng khoán Việt Nam vào MSCI được xem là một phần trong kế hoạch phát triển thị trường. SSC đã thực hiện nhiều động thái như nới room (Nghị định 60), sắp ra mắt sản phẩm phái sinh, tiến tới sáp nhập hai sàn giao dịch... Tuy nhiên, đối chiếu với những đòi hỏi từ MSCI, Việt Nam chưa đủ khả năng đáp ứng. Vì sao?

Những lý do

Có một số lý do cho việc chưa được nâng hạng. Thứ nhất, xét về quy mô đầu tư cho khối ngoại, như bà Hoàng Thị Hoa, đại diện Dragon Capital, từng đánh giá, room cho nhà đầu tư nước ngoài ở 50 công ty lớn của Việt Nam chỉ khoảng 4 tỉ USD, còn quá khiêm tốn. Trong khi đó, so sánh vốn hóa thị trường, Việt Nam hiện thua cả China A, Ả Rập Saudi. Chẳng hạn, China A có 169 công ty đạt vốn hóa trên 1 tỉ USD, còn con số này của Việt Nam là 19. Hay Ả Rập Saudi có công ty đạt vốn hóa lớn nhất là 79 tỉ USD, còn Việt Nam chỉ xấp xỉ 10 tỉ USD.

Nhà đầu tư nước ngoài đã trông đợi Việt Nam nới room như một cách gia tăng quy mô thị trường và thêm cơ hội đầu tư cho họ, nhất là từ sau khi Nghị định 60 được ban hành. Tuy nhiên, giấc mơ “nới room” vẫn chưa thành hiện thực do xuất hiện vướng mắc trong quá trình triển khai. Đó là những rào cản pháp lý, liên quan đến định nghĩa nhà đầu tư nước ngoài, đến các giao dịch, đầu tư khi bị xem là công ty nước ngoài, các rào cản kỹ thuật và thủ tục...

Liên quan đến những ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, MSCI cho rằng, Việt Nam vẫn cần cải thiện. Chẳng hạn, Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới còn khống chế tỉ lệ sở hữu nước ngoài vào ngành ngân hàng chỉ ở mức 30% vốn điều lệ.

tai sao msci khong nang hang chung khoan viet nam

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư, khối khách hàng cá nhân thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nới room không phải là giải pháp duy nhất để gia tăng quy mô đầu tư cho khối ngoại; còn nhiều cách khác như thúc đẩy cổ phần hóa, niêm yết các doanh nghiệp lớn và tăng tỉ lệ tự do chuyển nhượng (free float) thông qua giảm tỉ lệ sở hữu nhà nước.

Trong vấn đề tạo bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, bà Sylviane Carot, Phó Chủ tịch chỉ số MSCI, từng lưu ý, Việt Nam cần tạo môi trường đầu tư không quá khác biệt giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước. Hiện tại, MSCI đánh giá Việt Nam chưa tốt ở khía cạnh giới hạn sở hữu với từng nhà đầu tư và yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam chú ý hơn đến quản trị công ty cũng như công bố thông tin bằng tiếng Anh.

MSCI cũng nhận xét Việt Nam có “thanh khoản thị trường ngoại hối trong nước tương đối thấp”. Theo đánh giá của SSI, so với China A và Ả Rập Saudi, cán cân thương mại và dự trữ ngoại hối của Việt Nam dễ bị tổn thương hơn. Nếu dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là 3.000 tỉ USD, tương đương 2 năm nhập khẩu, còn ở Ả Rập Saudi là 500 tỉ USD, tương đương 1,5 năm nhập khẩu thì con số này ở Việt Nam cuối năm 2016 chỉ khoảng 41 tỉ USD, tương đương 2,8 tháng nhập khẩu.

Về hiệu quả của hệ thống vận hành, MSCI yêu cầu các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán phải sử dụng chuẩn mực kế toán IFRS hoặc gần với chuẩn mực kế toán IFRS. Nhưng chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) lại khác nhiều so với IFRS. Ngoài ra, Việt Nam chưa có công cụ cho vay thấu chi... Đây là những lý do để MSCI chưa xem xét nâng hạng với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Có đáng lo ngại?

Trước mắt, theo nhận định của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch SSI, Việt Nam lỡ hẹn trong đợt xếp hạng lần này của MSCI chưa phải là điều xấu. Nhưng về lâu dài, thị trường chứng khoán sẽ không thể phát triển nếu Việt Nam mãi nằm ở thị trường cận biên.

tai sao msci khong nang hang chung khoan viet nam

Thực tế, nhiều quỹ đầu tư như các quỹ ETF chủ yếu rót vốn vào các thị trường mới nổi. Ví dụ, BlackRock, công ty cung cấp ETF lớn nhất thế giới, đang quản lý khối tài sản 103 tỉ USD cho 47 quỹ ETF đầu tư vào các thị trường mới nổi, trong khi đó chỉ có 1 quỹ ETF đầu tư vào thị trường cận biên, với giá trị tài sản chỉ khoảng 0,6 tỉ USD. Còn theo thống kê của MSCI, hiện có tới 1.600 tỉ USD tài sản đang sử dụng các bộ chỉ số liên quan đến thị trường mới nổi của MSCI.

Rõ ràng, muốn thu hút dòng vốn lớn từ nước ngoài, để mục tiêu vốn hóa của thị trường cổ phiếu năm 2020 phải đạt 70% GDP, tính ra tương đương 185,5 tỉ USD, gấp gần 2,5 lần so với quy mô vốn hóa hiện tại, chứng khoán Việt Nam phải được nâng hạng trong các lần xếp hạng tiếp theo.

Nhưng nhìn từ lộ trình nâng hạng của China A mới thấy, các nước thường sẽ mất 3-4 năm tính từ khi được MSCI đưa vào danh sách xem xét đến lúc được nâng hạng thực sự. Việt Nam hiện còn chưa ở vào diện xem xét nên thời gian cho việc nâng hạng có thể sẽ lâu hơn.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, ngay cả khi chưa được nâng hạng thì quá trình chuẩn bị để đạt tới nâng hạng, theo các tiêu chuẩn yêu cầu của MSCI cũng sẽ có tác động tích cực đến tâm lý chung của thị trường. Nâng hạng suy cho cùng là đích cuối của con đường, còn quá trình đi trên con đường đó mới mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Viết Nguyên