|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Tái diễn tình trạng sốt đất ở đảo Phú Quốc

07:58 | 15/12/2017
Chia sẻ
Tình trạng sốt đất đang tái diễn trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Việc mua bán “ngoài luồng” nóng lên từng ngày và có khả năng sẽ kéo dài, diễn biến phức tạp như đã xảy ra vào những tháng cuối năm 2014 và đầu năm 2015.
tai dien tinh trang sot dat o dao phu quoc Đề xuất cơ chế phát triển nhanh, bền vững đảo ngọc Phú Quốc

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho hay, trong tháng 11/2017, đất trên đảo Phú Quốc bắt đầu tăng giá từ 80 - 90% so với bình thường. Xuất phát từ thông tin Phú Quốc trở thành Đặc khu Hành chính - Kinh tế đặc biệt, Casino Phú Quốc sắp đưa vào hoạt động và có nhiều tập đoàn kinh tế lớn sẽ đầu tư vào đây... khiến giá đất tăng vù vù. Hầu hết mua đất đến từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng...

tai dien tinh trang sot dat o dao phu quoc
Một tấm biển rao bán đất ở Phú Quốc.

Ghi nhận thực tế tại đảo ngọc này, việc mua bán đất ngoài luồng phần lớn tập trung tại các quán cà phê thông qua “cò mồi”, giao dịch qua điện thoại. Chợ bất động sản hình thành khắp mọi nơi, tất cả các loại đất trên đảo đều được đem ra giao dịch từ đất đồi, đất rừng, đất ven biển, đất nền... theo phương thức thuận mua - vừa bán. Những tấm bảng mua - bán kèm nội dung, số điện thoại liên hệ... treo nhan nhản từ trung tâm thị trấn Dương Đông lên Bắc đảo và xuống Nam đảo. Giá đất ở đảo Phú Quốc tăng lên từng ngày. Thị trường nóng hơn bao giờ hết và gây sốc, bất ngờ đối với người dân Phú Quốc. Tùy vào mỗi tuyến đường ở thị trấn Dương Đông, vị trí đất thuận lợi cho việc kinh doanh, xây dựng nhà hàng, khách sạn… có giá rao bán khoảng 50 tỷ đồng/1.000 m².

Khu vực Suối Cát, xã Cửa Dương, từ 900 triệu đồng/1.000 m2 - tăng khoảng 2,2 tỷ đồng so với giá cũ. Đất vị trí đẹp, mặt tiền tại các xã vùng Bắc đảo như Cửa Dương, Cửa Cạn, Bãi Thơm, Gành Dầu có giá 3,5 tỷ đồng/1.000 m2; khu vực gần sân bay, lân cận khu du lịch, bãi tắm ven biển, khu đô thị... có giá từ 8 - 15 tỷ đồng/1.000 m2, tùy theo vị trí mặt tiền hay mặt hậu. Theo nhận định của một lãnh đạo huyện Phú Quốc, tình trạng sốt giá hiện nay là do người dân đổ xô mua “đón đầu” sự kiện Phú Quốc trở thành đặc khu. Việc mua đất làm gì, vị trí ở đâu, giá cả như thế nào... thì ít được người mua quan tâm. Do đất ở Phú Quốc có hạn nên thực chất các cuộc giao dịch là "trao tay" từ người này sang người khác trong thời gian ngắn. Có thửa đất, chỉ trong thời gian ngắn đã được mua đi bán lại hơn 10 lần. Nhiều chủ đất và "cò" đã lợi dụng tình hình lộn xộn này để đẩy giá tăng cao hơn nữa khiến giá đất tăng vượt ngưỡng giá trị thật gấp hàng chục lần. Trong một diễn biến khác, cơn sốt giá đất ở Phú Quốc dẫn đến hệ lụy tranh chấp, thưa kiện diễn ra phức tạp, mất đi tình làng, nghĩa xóm; xáo trộn trong thân tộc, họ hàng; tình trạng bao chiếm, xâm chiếm đất trái phép để thu lợi bất hợp pháp gây bất ổn an ninh, trật tự xã hội tại địa phương. UBND huyện Phú Quốc khuyến cáo, người dân nên bình tĩnh, suy tính trước khi quyết định mua đất, không chạy theo cơn sốt giá để tránh tình trạng "mua bằng mọi giá" vì kiểu giao dịch ngoài luồng, “tự phát” hiện nay dễ dẫn đến “tiền mất tật mang” bởi nhiều vị trí đã được quy hoạch, không phải nơi nào cũng cho phép xây dựng nhà hàng, khách sạn hay làm điểm du lịch, kinh doanh dịch vụ… Huyện Phú Quốc cũng triển khai các biện pháp kiềm chế, kiểm soát việc mua bán, sang nhượng đất đai trên địa bàn, bình ổn giá; phát hiện, xử lý việc "thổi giá" gây náo loạn thị trường, ảnh hưởng bất lợi đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là trong mời gọi thu hút đầu tư; kiên quyết xử lý những đối tượng bao chiếm, xâm chiếm đất trên đảo mua bán bất hợp pháp để thu lợi bất chính.

Lê Huy Hải