Tái cơ cấu, xử lý nợ xấu: Nắm bắt cơ hội, xử lý dứt điểm
Ông FUJITA Yasuo |
Ông FUJITA Yasuo, Trưởng đại diện JICA Việt Nam trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng về các dự án hỗ trợ kỹ thuật của JICA dành cho NHNN, trong đó có Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu.
Ông đánh giá thế nào về kết quả quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Việt Nam thời gian qua?
Theo tôi, trong 5 năm qua NHNN đã có những bước tiến triển trong việc thực hiện các chính sách như siết chặt phân loại nợ xấu, tăng cường dự phòng rủi ro, mua nợ xấu, sáp nhập và mua lại các ngân hàng, thu hồi giấy phép hoạt động của các ngân hàng yếu kém…
Việc giảm tỷ lệ nợ xấu đã đạt mục tiêu của Chính phủ đặt ra là ở mức dưới 3% và cũng không phát sinh những bất an với các ngân hàng. Qua theo dõi báo cáo quyết toán của các ngân hàng trong năm 2016, chúng tôi nhận thấy tỉ lệ cho vay tương đối cao, tỉ lệ lợi nhuận tuy giảm do tăng chi phí dự phòng rủi ro, nhưng đánh giá tổng thể là thành tích kinh doanh tốt.
Cần có khung khổ pháp lý đủ mạnh để xử lý nợ xấu |
Tuy nhiên, một vấn đề rất quan trọng là công việc xử lý cuối cùng đối với khối lượng lớn các khoản nợ xấu do VAMC mua lại của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt, hoặc xử lý đối với các ngân hàng yếu kém bị xử lý đặc biệt… thì không có nhiều tiến triển.
Và dù đã có nhiều nỗ lực nhưng tái cơ cấu và xử lý nợ xấu vẫn làm chậm. Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân như chưa có thể chế pháp luật đủ chặt chẽ, thiếu nhân lực, nguồn lực tài chính hạn chế…
Để giải quyết những vấn đề này thì không chỉ cần sự nỗ lực của bản thân ngành Ngân hàng mà còn cần sự hợp tác của nhiều bên liên quan, bao gồm cả Chính phủ và Quốc hội, và việc điều phối sẽ mất nhiều thời gian.
Theo kinh nghiệm của Nhật Bản, Việt Nam cần làm gì để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng?
Đối với việc xử lý nợ xấu và xử lý ngân hàng phá sản, cần phải xác định chính xác các tổn thất để quyết định chủ thể gánh chịu tổn thất cũng như cách thức.
Vào năm ngoái, JICA đã đề xuất với Chính phủ Việt Nam các giải pháp xử lý, trong đó có đưa ra một số đề xuất như: cần có một gói luật tổng thể về các giải pháp thúc đẩy xử lý nợ xấu, xử lý phá sản; tận dụng quỹ Bảo hiểm tiền gửi khi xử lý phá sản; mua bán nợ xấu theo giá thị trường, xử lý phá sản thông qua bán cổ phần của các ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh, lấy kinh phí để xử lý nợ xấu.
Trong thời kỳ từ những năm 1990 đến nửa đầu những năm 2000, Nhật Bản đã giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu là một trong những nguyên nhân gây nên chậm phát triển kinh tế. Các nước đã có kinh nghiệm xử lý nợ xấu, trong đó có Nhật Bản, đã chỉ ra bài học về việc nắm bắt cơ hội xử lý dứt điểm. Cần phải thực hiện các chính sách phát triển kinh tế đảm bảo sự cân đối trong tổng thể. Tuy nhiên, chúng tôi cũng hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra các giải pháp quyết liệt trong thời điểm nền kinh tế tương đối ổn định hiện nay.
Chúng tôi mong rằng dự thảo quy định pháp luật đang được soạn thảo, cũng như các đề án về quy trình thủ tục chi tiết xử lý phá sản ngân hàng sẽ góp phần giải quyết được các vấn đề tồn tại nói trên.
Ông có thể cho biết về các dự án hỗ trợ kỹ thuật của JICA dành cho NHNN?
JICA đã liên tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực kiện toàn cơ cấu tài chính, phát triển ngành tài chính của Việt Nam thông qua việc phái cử chuyên gia và các chương trình đào tạo tại Nhật Bản.
Tháng 3/2014, Dự án Hợp tác kỹ thuật “Hỗ trợ tái cơ cấu Ngân hàng Việt Nam” đã chính thức khởi động với sự hợp tác của các bộ, ngành liên quan (Bộ Tài chính, các tổ chức tín dụng…) và các đơn vị có kinh nghiệm thực tế trong việc xử lý nợ xấu của Nhật Bản.
Mục tiêu của dự án là hỗ trợ thúc đẩy tái cơ cấu các ngân hàng/tổ chức tài chính và xử lý nợ xấu, trọng tâm là việc hỗ trợ NHNN Việt Nam xây dựng cơ chế xử lý đối phó với nguy cơ phá sản giúp VAMC soạn thảo Hướng dẫn mua bán nợ xấu theo giá thị trường. Ngoài ra, JICA cũng đã triển khai thực hiện đào tạo nhân lực liên quan đến các lĩnh vực này…
Xin cảm ơn ông!