|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tái cơ cấu ngành lúa gạo: đừng quên ngành công nghiệp sau gạo

07:19 | 04/12/2016
Chia sẻ
Với mong muốn góp ý cho đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành hồi tháng 5-2016, nhóm nghiên cứu của Công ty Tư vấn Strategic Foresight cho rằng để hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, đặc biệt với ngành lúa gạo, xu hướng phát triển của thế giới luôn dựa trên quan điểm tư duy theo chuỗi giá trị ở cả chiều rộng lẫn chiều sâu, khi đó các sản phẩm từ cây lúa, hạt gạo giờ không còn đơn thuần là cây lương thực.
Đóng gói gạo ở Công ty Lương thực Trà Vinh. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Các sản phẩm sau hạt gạo mà người Việt Nam chúng ta thường gọi là “phụ phẩm” như cám, trấu và phôi gạo đã trở thành nguồn nguyên liệu chủ lực cho một loạt ngành công nghiệp sau gạo. Như vậy, nếu hiểu đúng thì lúa gạo không chỉ thuộc lĩnh vực “sản xuất nông nghiệp”. Giá trị gia tăng của các sản phẩm sau gạo được tạo ra đều ở quy mô sản xuất công nghiệp ngày càng sâu với hàm lượng chất xám và công nghệ rất cao. Lúa gạo đã trở thành lĩnh vực sản xuất “nông nghiệp - công nghiệp”, và để phát triển bền vững, chiến lược phát triển của ngành cần có sự cân bằng và hài hòa hơn trong quy hoạch phát triển, bao gồm cả lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất công nghiệp.

Để tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu, quan điểm của chúng ta trong việc hoạch định chiến lược, quy hoạch nguồn lực và xây dựng các chính sách hỗ trợ cho ngành lúa gạo cũng phải theo kịp xu thế phát triển chung trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, các sản phẩm sau gạo, đặc biệt là cám gạo, phải được nhìn nhận như một loại hàng hóa công nghiệp chủ lực thứ hai sau gạo bởi vai trò quan trọng của nó trong việc tạo dựng giá trị cho ngành khi liên kết ngày càng sâu với các ngành công nghiệp khác để hình thành những ngành công nghiệp mới sau lúa gạo có giá trị gia tăng rất cao như công nghiệp thực phẩm, hóa chất, dược, mỹ phẩm...

Với mục tiêu đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% trở lên, ngoài các giải pháp tổng thể đã được nêu ra trong bản đề án như tái cơ cấu sản xuất lúa, tổ chức sản xuất và đổi mới thể chế, cải tiến công nghệ sau thu hoạch và chế biến, phát triển thị trường... chúng tôi cho rằng, chính sách mới của Nhà nước phải làm sao khuyến khích được nông dân (có thể thông qua mô hình hợp tác xã) ưu tiên trữ lúa, sau đó mới bán gạo và các phụ phẩm như trấu và cám, thay vì bán lúa ướt cho thương lái ngay sau khi thu hoạch. Gạo trắng thì bán cho công ty thương mại, vỏ trấu có thể bán cho thương lái, còn cám thì cung cấp cho các công ty trích ly dầu cám gạo trong vùng.

Theo lý thuyết, đây có thể là giải pháp khả dĩ nếu chúng ta phát triển được ngành công nghiệp trích ly dầu cám gạo, đặc biệt đối với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nói là giải pháp khả dĩ bởi vì giá gạo vốn chịu nhiều biến động theo cung - cầu gạo thế giới, trong khi đó, giá cám gạo lại không bị biến động bởi cung - cầu thế giới, mà chủ yếu do cung - cầu nhập khẩu cám trích ly và nhu cầu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, do đó thu nhập của nông dân sẽ dần được nâng cao và ổn định lâu dài hơn.

Việc cám gạo trở thành hàng hóa công nghiệp tạo dựng nền tảng cơ bản để chúng ta khai thác thêm cơ hội phát triển các ngành công nghiệp rất tiềm năng khác như: ngành thực phẩm tiêu dùng với dầu ăn cao cấp, dầu salad, margarine; ngành công nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản với nguyên liệu chủ lực là cám đã tách dầu; sản phẩm sáp gạo phục vụ cho ngành công nghiệp sản xuất lớp bọc bánh kẹo, chất đánh bóng sàn, vật liệu cách điện, chất chống thấm, ngoài ra còn có ngành dược, ngành mỹ phẩm...

Sau cùng là về các giải pháp ưu tiên trong đề án, trong đó, nhấn mạnh đến vấn đề “đổi mới khoa học công nghệ và tăng đầu tư nghiên cứu phát triển”. Để thực thi được những nhiệm vụ trên, trong chương trình nghiên cứu lúa gạo quốc gia nhằm phục vụ cho tái cơ cấu ngành lúa gạo, Nhà nước nên khuyến khích phát triển liên kết công - tư hoặc hỗ trợ cho các đơn vị tư nhân trong việc nghiên cứu về ngành công nghiệp trích ly dầu cám gạo. Việt Nam cần có một chương trình nghiên cứu ở cấp độ vĩ mô cả ở chiều rộng lẫn chiều sâu, bao gồm tiềm năng phát triển của các vùng lúa gạo, xu hướng về công nghệ, quy mô thị trường thế giới đối với sản phẩm dầu cám gạo... Đây là tiền đề quan trọng và là cơ sở cung cấp thông tin, dữ liệu chính thống và đáng tin cậy cho các cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm trong việc quy hoạch chi tiết, xây dựng chính sách hỗ trợ, và phân bổ nguồn lực ở cấp độ địa phương, khu vực và quốc gia theo đúng tinh thần đã nêu trong bản đề án.

Trần Khắc Điền

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.