|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tái cấu trúc Eximbank, 'thay áo' hàng loạt nhân sự Ban điều hành

22:10 | 04/08/2017
Chia sẻ
Liên quan đến dự án tái cấu trúc Eximbank, ngày 04/08/2017, HĐQT Eximbank đã thông qua việc thay đổi nhân sự Ban điều hành cho phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của dự án này.

Cắt giảm 9 Phó Tổng Giám đốc

Cụ thể, Ngân Hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) đã chấp thuận cho 4 Phó Tổng Giám đốc bao gồm ông Lê Hải Lâm, ông Nguyễn Quốc Hương, ông Nguyễn Quang Triết và bà Bùi Đỗ Bích Vân được nghỉ việc theo nguyện vọng.

Song song đó, Eximbank thôi chức danh Phó Tổng Giám đốc và bổ nhiệm chức danh Giám đốc cấp cao 5 nhân sự khác. Ông Nguyễn Văn Hào được bổ nhiệm làm Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực miền Đông Nam Bộ và miền Trung Tây Nguyên, ông Lê Anh Tú - Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực miền Bắc, ông Bùi Văn Đạo - Giám đốc cấp cao phụ trách khu vực miền Tây Nam Bộ, ông Yutaka Moriwaki - Giám đốc cấp cao kiêm Trưởng Ban dự án tái cấu trúc và chiến lược Eximbank và ông Masashi Mochizuki - Giám đốc cấp cao phụ trách khách hàng Nhật Bản và Phòng Định chế tài chính

Trước đó, Ban điều hành của Eximbank gồm 15 người bao gồm Tổng Giám đốc và 14 Phó Tổng Giám đốc. Như vậy, sau quyết định này, bộ máy điều hành đã được cắt giảm tổng cộng 9 Phó Tổng Giám đốc.

Hai thành viên của cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation - ngân hàng Nhật đang nắm giữ 15% cổ phần tại Eximbank - là ông Yutaka Moriwaki và ông Masashi Mochizuki sẽ không còn làm Phó Tổng Giám đốc mà chỉ tham gia với vai trò hỗ trợ.

Bên cạnh đó, Ngân hàng cũng thay đổi chức danh của ông Trần Tấn Lộc từ Phó Tổng Giám đốc thường trực thành Phó Tổng Giám đốc.

Đồng thời bổ nhiệm ông Võ Quang Hiển - Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp lớn giữ chức danh Phó Tổng Giám đốc.

Như vậy, Ban điều hành mới sẽ có 7 thành viên với Tổng Giám đốc là ông Lê Văn Quyết và 6 Phó Tổng Giám đốc gồm có ông Trần Tấn Lộc, ông Đào Hồng Châu, bà Đinh Thị Thu Thảo, bà Văn Thái Bảo Nhi, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ và ông Võ Quang Hiển.

Bước khởi đầu của "New Eximbank"

Trước đó, Ban chỉ đạo tái cấu trúc và chiến lược Eximbank được thành lập ngày 24/10/2016 đã trình HĐQT Ngân hàng thông qua định hướng tái cấu trúc thành Eximbank Mới (New Eximbank). Đây là dự án tái cấu trúc và chiến lược Eximbank giai đoạn từ 2016-2020. Ngân hàng cũng đã đổi logo mới.

Ban quản lý dự án lúc đó có hai người đứng đầu là ông Yukata Moriwaki và ông Nguyễn Quốc Hương.

Ông Nguyễn Quốc Hương đã thôi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng như đã đề cập bên trên. Người phụ trách chính dự án tái cấu trúc và chiến lược Eximbank hiện tại sẽ là ông Yutaka Moriwaki.

Một trong những kế hoạch tái cấu trúc các mảng hoạt động theo đề án của ban quản lý dự án “New Eximbank” đó là rà soát, sắp xếp, bổ nhiệm, bãi nhiệm nhân sự thuộc thẩm quyền HĐQT, thực hiện trong năm 2017 và các năm tiếp theo tùy theo tình hình thực tế.

Như vậy, việc thay đổi nhân sự Ban điều hành thông qua tinh giảm bộ máy quản lý là bước khởi đầu cho các chiến lược trung và dài hạn của “New Eximbank”.

Trước ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, trong một buổi chia sẻ với báo chí, ông Yutaka Moriwaki từng cho biết dự án New Eximbank đưa ra các thay đổi đáng kể trong hoạt động kinh doanh như bán buôn, bán lẻ, và những thay đổi trong quản trị nội bộ. Thời gian tới, Eximbank sẽ tập trung vào tài trợ thương mại đối với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, phát triển mảng bán lẻ, nhất là đối với hoạt động cho vay mua ô tô, vốn được hỗ trợ bởi công ty con của SMBC (Sumitomo Mitsui Banking Corporation).

Tái cấu trúc toàn diện các mảng hoạt động trong ngân hàng thông qua định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ và giám sát việc triển khai tái cấu trúc theo đề án của Ban quản lý dự án “New Eximbank” bao gồm:

  • Tổ chức lại cơ cấu HĐQT, rà soát và đánh giá số lượng và hoạt động thực tế của Ủy ban, Hội đồng trực thuộc HĐQT.
  • Rà soát, sắp xếp, bổ nhiệm, bãi nhiệm nhân sự thuộc thẩm quyền HĐQT, thực hiện trong năm 2017 và các năm tiếp theo tùy theo tình hình thực tế.
  • Tái cơ cấu các khối kinh doanh: Nguồn vốn, Doanh nghiệp, Cá nhân.
  • Tập trung các bộ phận tác nghiệp, hỗ trợ để tạo thành một khối vận hành.
  • Chỉ đạo đánh giá hiệu suất làm việc của nhân viên thông qua bộ Chỉ số đo lường hiệu suất công việc (KPI) và Chương trình đánh giá hiệu suất (PEP), xây dựng chế độ đãi ngộ.
  • Thiết lập trụ cột đặc biệt để tập trung phát triển tài trợ thương mại và thanh toán.
  • Hoàn thiện mô hình tổ chức, quyết định cơ cấu tổ chức tại Hội sở và đơn vị kinh doanh.

Vũ Hạ