|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

\"Sức khỏe\" kinh tế Mỹ chưa ổn khiến Fed chùn chân

07:38 | 21/09/2016
Chia sẻ
Đêm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày.
Chủ tịch của FED - bà Janet Yellen (Ảnh: Getty Images)

Thị trường đang hồi hộp chờ đợi quyết định lãi suất sẽ được đưa ra vào cuối cuộc họp này. Tuy nhiên theo nhiều khảo sát, kỳ vọng FED tăng lãi suất lần này được đánh giá là không cao.

Theo khảo sát của Tập đoàn CME, thị trường chỉ đặt cược 18% FED sẽ tăng lãi suất ngay trong tháng 9 này. Tình trạng "sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ và sự thắt chặt thị trường tiền tệ là nguyên nhân chủ yếu khiến FED chùn chân.

"Đầu tiên là tăng trưởng kinh tế Mỹ đã chững lại. Theo một số báo cáo gần đây, một vài chỉ số có tăng lên đôi chút nhưng vẫn chậm. Lạm phát cơ bản cũng tăng nhưng nếu xem xét các công cụ tính lạm phát khác và giá hàng hóa thì vẫn còn yếu. Tiếp đó là các lý do kỹ thuật. Thị trường tiền tệ đang ngày càng thắt chặt vì có sự điều chỉnh trong quy định liên quan đến các quỹ thị trường tiền tệ", ông, Richard Daskin, Chủ tịch Công ty RSD Advisors cho biết.

Bên cạnh đó, 2 chỉ số khác cũng tác động không nhỏ đến quyết định lãi suất của Fed là tăng trưởng việc làm và chi tiêu tiêu dùng đều không đạt được kỳ vọng trong tháng 8 vừa qua.

Những đồn đoán Fed sẽ giữ nguyên lãi suất đã tác động trực tiếp đến thị trường. Cả 3 chỉ số chính trên thị trường chứng khoán New York đều tăng điểm trong phiên giao dịch đêm qua. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng mạnh nhất, với 52,46 điểm. Chỉ số Nasdaq và S&P 500 tăng lần lượt 16,86 và 5,20 điểm.

Từ giờ đến cuối năm Fed còn 2 cuộc họp nữa vào tháng 11 và tháng 12. Có tới 59,8% nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12, trong khi khả năng tăng lãi suất trong tháng 11 chỉ là 23,1%, chủ yếu là do tác động của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Phiên họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ cùng diễn ra vào ngày 20-21/9. BOJ sẽ tiến hành đánh giá lại toàn diện khung chính sách, kể cả lãi suất âm và chương trình mua tài sản quy mô lớn.

Giới đầu tư đồn đoán BOJ sẽ thay đổi chiến lược theo hướng ủng hộ chính sách hỗn hợp, bao gồm tăng cường kích thích trong khi vẫn bảo vệ các ngân hàng trước những vấn đề phát sinh do lãi suất âm gây ra.

Mối hoài nghi về khả năng làm suy yếu yên của BOJ đã tăng lên kể từ khi BOJ khiến thị trường bị sốc hồi tháng 1 bằng việc lần đầu tiên hạ lãi suất xuống dưới 0% - cũng chỉ nhất thời khiến yên giảm giá. Kể từ đó, đồng yên đã tăng hơn 15% so với USD.

Theo VTV