Sức ép với dệt may xuất khẩu
Những chỉ số nêu trên đã cho thấy tín hiệu khởi sắc của các doanh nghiệp (DN) dệt may trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Với tốc độ tăng trưởng của ngành dệt may đang khá khả quan, thuận lợi, nếu không có biến động gì lớn về tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu "cán đích" 31 đến 32 tỷ USD vào cuối năm hoàn toàn có thể đạt được.
Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này, ngành dệt may cần phải đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu đạt trung bình khoảng 3 tỷ USD/tháng và đây là sức ép không nhỏ đối với các DN trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường.
Hiện nay, chi phí nhân công giá rẻ không còn là ưu thế của Việt Nam, các đơn hàng đang dần chuyển dịch về một số quốc gia trong khu vực có chi phí thấp hơn như Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma,… Tiếp đến, sức cạnh tranh về giá, chất lượng sản phẩm trên thị trường ngày càng bộc lộ gay gắt. Nước ta đã tham gia ký nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như FTA Việt Nam - EU, TPP,… Thế nhưng, xét về thực chất, FTA Việt Nam - EU chưa có hiệu lực, khả năng có hiệu lực vào năm 2018 chưa thật sự rõ ràng. Hiệp định TPP tiếp tục ở trạng thái bất định, chưa rõ hướng đi tiếp theo sẽ ra sao.
Trong 5 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đã đạt hơn 9,4 tỷ USD, tăng 10% so cùng kỳ năm 2016. Ảnh: Baodautu. |
Những thuận lợi khách quan dự kiến cho ngành dệt may Việt Nam trong những năm trước liên quan tình hình thị trường, hiệp định thương mại,… chưa hình thành rõ nét, đòi hỏi DN phải có các giải pháp trong tìm kiếm, mở rộng khách hàng. Ở trong nước, DN dệt may tiếp tục đối diện với việc sẽ tăng lương tối thiểu, nhiều chính sách mới về bảo hiểm xã hội cùng một số chi phí đầu vào khác như điện, nước; chi phí vận chuyển, kho bãi,... tăng cao tạo ra những áp lực khá nặng nề, nên tự thân các DN phải cải tiến, nâng cao hơn nữa về năng suất, chất lượng sản phẩm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, thời điểm "tăng tốc" xuất khẩu dệt may thường diễn ra từ tháng 5 đến khoảng tháng 10, khi các DN tập trung sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhiều DN mới chỉ đạt 70 đến 75%, thậm chí, có DN chỉ đạt 30 đến 40% năng lực sản xuất. Việc làm không đủ, tiền gia công bị hạ giá so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp nên muốn đạt được mục tiêu đề ra, các DN dệt may cần phải khai thác cao nhất hiệu suất tài sản cố định đã đầu tư; tập trung nguồn lực đầu tư dây chuyền công nghệ mới để thay thế các thiết bị cũ, lạc hậu; nâng cao năng lực cạnh tranh với trình độ công nghệ cao hơn, nhất là trong bối cảnh xuất hiện làn sóng công nghiệp lần thứ tư trong hệ thống dệt may.
Ngoài ra, các DN cần tiết giảm các chi phí, đa dạng hóa mẫu mã, sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường. Chính phủ và các bộ, ngành cân đối tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam với các đồng tiền của các quốc gia nhằm giúp DN không bị thất thế trong xuất khẩu. Ðồng thời, có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về tài chính; cải thiện các chi phí ngoài sản xuất như cơ sở hạ tầng, thuế, phí, thời gian thông quan,… nhằm tạo điều kiện thúc đẩy DN phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.