Startup Việt chưa bắt nhịp với trào lưu 'sống cùng'
Mô hình co-living đang bùng nổ ở châu Á, doanh nghiệp Việt vẫn thờ ơ |
Hmlet là startup đầu tiên của Đông Nam bắt nhịp với trào lưu co-living |
Singapore được mệnh danh là trung tâm khởi nghiệp của Đông Nam Á, một trong những thành phố khởi nghiệp giàu tiềm năng nhất thế giới. Vì thế, không bất ngờ khi các trào lưu khởi nghiệp mới ở Đông Nam Á thường bắt nguồn từ quốc đảo này. Co-living/sống cùng là một trong số đó. Bắt nhịp với xu hướng co-living đang bùng nổ ở châu Á, các nhà sáng lập startup Hmlet đã tạo nên không gian sống chung thích ứng với nhu cầu linh hoạt cũng như những ưu tiên liên quan đến phong cách sống của thế hệ 8X, 9X.
Vậy co-living là gì?
Giống với co-working space (không gian làm việc chung) đang dần phổ biến ở Việt Nam cũng như trên toàn cầu, một số nhà phát triển bất động sản đang tạo ra co-living. Đây được coi là mô hình sống hiện đại với những không gian chung được chia sẻ bởi nhóm người trẻ tuổi có cùng sở thích hay công việc giống nhau. Khi sống chung, họ sẽ cùng nhau chia sẻ một số không gian chung như bếp, phòng sinh hoạt và dĩ nhiên là cả tiền thuê nhà. Dù vậy, bên cạnh những cái chung, vẫn có cái riêng. Nghĩa là họ có thể nấu và ăn cùng nhau, chơi và giải trí cùng nhau, nhưng không gian nghỉ ngơi vẫn hoàn toàn riêng biệt.
Khởi nguồn tại các thành phố lớn của các quốc gia châu Âu như Đức, Pháp, co-living đã nhanh chóng nở rộ ở châu Á. Đặc biệt, thế hệ 8X và 9X (còn gọi là thế hệ Millennials) ở châu Á tỏ ra hào hứng với xu hướng này.
Lý giải về hiện tượng trên, giới phân tích cho rằng: Millennials là thế hệ lớn lên cùng sự bùng nổ công nghệ và truyền thông xã hội. Họ có khả năng thích nghi cao và không ngại ngần chia sẻ các tiện nghi với nhau. Vì thế, sở hữu căn hộ riêng không còn là tiêu chí của thế hệ 8X, 9X. Điều đó đã tạo nền tảng cho xu hướng co-living xuất hiện và bùng nổ ở châu Á.
Vì sao co-living bùng nổ ở châu Á
Không chỉ thỏa mãn sở thích sống, co-living còn góp phần giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống đô thị ở nhiều quốc gia châu Á. Thị trường bất động sản châu Á bùng nổ, nhất là tại Trung Quốc, Hong Kong... Giá mua và thê nhà gia tăng với tốc độ chóng mặt. Thực trạng này khiến giới trẻ khó tìm được chỗ ở trong hành trình lập nghiệp để khẳng định bản thân. Thêm nữa, việc thay đổi công việc khiến chỗ làm của họ không cố định. Vì thế, không phải cá nhân nào cũng muốn mua hoặc thuê nhà dài hạn ở địa điểm cố định. Tuy nhiên, việc cùng thuê nhà giữa những người trẻ tuổi cũng nảy sinh nhiều bất cập. Vì thế, sự chuyên nghiệp trong quản lý của co-living lại đáp ứng được yêu cầu này.
Đơn cử: hầu hết startup khai thác mô hình co-living đều chú trọng vào những yếu tố mang tính cộng đồng như mở lớp học yoga, tổ chức các buổi chiếu phim, bữa tiệc với thức uống miễn phí và những buổi hội thảo có chủ đề thú vị cho cư dân. Như vậy, co-living không đơn thuần mang đến người thuê giải pháp về nơi ở, mà còn là trải nghiệm hướng đến kết nối và chia sẻ với thế giới xung quanh trong không gian đầy màu sắc, thân thiện và tiện nghi. Điều đó giúp cho những người trẻ tuổi dễ dàng hòa nhập cộng đồng thay vì quanh năm chỉ đối diện với 4 bức tường.
Co-living đang bùng nổ tại Trung Quốc. |
Sau khi “gõ cửa” Trung Quốc năm 2012 với thương hiệu YOU+ International Youth Community cùng một vài nhà điều hành khác, mô hình co-living đã bùng nổ tại quốc gia này với gần 90 thương hiệu (tính đến cuối năm 2016). Giờ đây, xu hướng co-living đã đến Đông Nam Á với startup Helmet.
Yoan Kamalski - đồng sáng lập và CEO của Hmlet - cho biết: Chúng tôi không chỉ cung cấp chỗ ở mà còn tạo ra một cộng đồng thực sự khi biến các tòa nhà thành môi trường sống năng động, tiếp thêm sức sống cho cộng đồng khởi nghiệp. Hmlet có mọi thứ từ BBQ, tiệc rượu đến lớp học khiêu vũ... Tất cả những gì có thể mang đến người thuê nhà đời sống xã hội sinh động. Hiện tại, thách thức lớn nhất mà Hmlet phải đối mặt là chuyển đổi từ công ty quản lý bất động sản thông thường sang công ty “công nghệ bất động sản”. Để làm được điều này, kể từ tháng 4/2018, Hmlet App sẽ tạo cơ hội cho cộng đồng khởi nghiệp giao tiếp và kết nối những mối quan tâm chung về khởi nghiệp và sở thích cá nhân.
Hiện tại, Việt Nam có khoảng 35% dân số thuộc thế hệ Millennials. Điều đó cũng có nghĩa tiềm năng để khởi nghiệp trong lĩnh vực này không nhỏ. Tuy nhiên, co-living lại chưa phổ biến ở Việt Nam, cho dù đã manh nha hình thành. Bằng chứng là chưa có startup hay chủ đầu tư nào có ý định phát triển mô hình co-living tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong xu thế giới trẻ Việt đang có xu hướng độc lập hơn trong lối sống cũng như quan tâm nhiều hơn đến môi trường sống thay vì chỉ cần chui vào các căn hộ khép kín cộng thêm giá nhà đất leo thang chóng mặt, startup Việt khó có thể đứng ngoài xu hướng đang bùng nổ ở châu Á này.