Startup Việt chật vật tìm người
Phong trào khởi nghiệp (startup) bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam vài năm gần đây cho thấy môi trường kinh doanh đang rất thuận lợi, một thế hệ trẻ tài năng đầy nhiệt huyết đang khát khao vươn lên. Tuy nhiên, họ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân tài.
Nhiều cơ hội việc làm
Những tín hiệu tích cực về cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp (DN) startup trong thời gian tới là rất lớn và đa dạng. Theo kết quả khảo sát mới đây của Navigos, có 82% DN có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhân sự trong vòng 3 tháng đến 12 tháng tới. Trong đó, một số DN có nhu cầu tuyển dụng liên tục.
Đối với các startup tham gia khảo sát, kinh nghiệm làm việc không phải là yếu tố tiên quyết bởi có đến 35% DN cho biết họ cần tuyển những ứng viên mới tốt nghiệp đại học. Nhiều DN nhận định sinh viên mới ra trường là những ứng viên nhiệt huyết, có tinh thần học hỏi, có khả năng thích nghi với môi trường biến động trong startup. Đồng thời, tuyển dụng ứng viên mới tốt nghiệp cũng có thể phù hợp hơn với ngân sách của các DN.
Như vậy, cơ hội việc làm tại các starup là rất lớn và đa dạng. Thậm chí một số starup cho biết họ đã tận dụng các bạn sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường làm việc bán thời gian và rất hài lòng với những đóng góp của đội ngũ nhân sự này.
Khó khăn trong tuyển dụng
Trong kết quả nghiên cứu của Navigos cho thấy gần một nửa DN startup cho rằng yếu tố về lương là trở ngại lớn nhất khi tuyển dụng nhân sự. Ngân sách lương hạn chế khiến họ không thu hút được ứng viên phù hợp, đặc biệt là những ứng viên giỏi. Trong khi đó, ứng viên thường chú trọng vào lương, thưởng chứ ít coi trọng các cơ hội học hỏi, phát triển sự nghiệp.
Ông Huỳnh Quốc Thắng, CEO của startup 789.VN, chia sẻ một thực tế là rất ít ứng viên có niềm tin vào startup Việt. "Họ luôn tỏ ra nghi ngại khi bước vào một DN startup - nơi mà ông chủ thì trẻ, bàn ghế làm việc thì lèo tèo, nhân sự lại ít. Ứng viên thường muốn làm việc tại những văn phòng hoành tráng, có đủ phòng ban dù mức lương có thể thấp hơn. Họ không hiểu startup là mới bắt đầu".
Startup Việt chật vật tìm người vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan. |
Ở góc độ doanh nghiệp cung ứng nguồn nhân lực, bà Nguyễn Phương Mai, CEO của Navigos Search, cho rằng các startup Việt gặp trở ngại trong việc thu hút nhân lực là do thiếu kinh nghiệm và chưa có quy trình rõ ràng trong tuyển dụng, đào tạo, đánh giá và phát triển nhân viên. Startup Việt chỉ tập trung vào sản phẩm và dịch vụ mà quên mảng quan trọng nhất, đó là bộ phận nhân sự. Có đến 64% startup cho biết họ không có người chuyên trách về nhân sự và người sáng lập đang kiêm nhiệm công việc này. Chỉ có 15% startup cho rằng họ cần có nhân viên chuyên trách về nhân sự, tuyển dụng.
Làm thế nào để có người tài?
Theo một nghiên cứu của CBS Insights, có đến 95% doanh nghiệp khởi nghiệp thất bại. Nguyên nhân chính của thất bại là do không tuyển dụng và giữ được người tài. Chia sẻ về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Mai nói: "Trước hết, startup cần xây dựng đội ngũ lãnh đạo lý tưởng đối với nhân viên trẻ, những người lãnh đạo có thể lắng nghe và truyền cảm hứng đến nhân viên. Một giải pháp rất quan trọng là xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng từ chính truyền thông nội bộ, với chính những nhân viên hiện tại của công ty. Ngoài ra, DN cũng cần có chính sách riêng cho đội ngũ nhân sự nòng cốt, tối ưu hóa quy trình tuyển dụng và đa dạng nguồn tiếp cận ứng viên tài năng".
Ông Huỳnh Quốc Thắng cho rằng thế hệ trẻ Việt Nam đang có nhiều thay đổi về nhận thức, nhiều người biết chấp nhận thử thách trong một môi trường bắt đầu từ con số 0 như các startup hiện nay.
"Nếu biết khuyến khích, chia sẻ, minh bạch thì các startup vẫn tuyển và giữ chân được người tài. Cách đãi ngộ về lương, thưởng phải công bằng và không có giới hạn. Các phúc lợi phi tài chính như cổ phần, chia sẻ lợi nhuận... cũng là cách làm hay. Tôn trọng và khích lệ kịp thời cũng là cách tốt để giữ người tài. Các startup nên theo đuổi các chính sách nhân sự mở, tạo sự vững chắc, an tâm cho người lao động để họ chuyên tâm vào công việc" - ông Thắng nói.