|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup giúp người dân lấy số khám bệnh từ xa

08:13 | 09/02/2018
Chia sẻ
Thay vì xếp hàng chờ ở bệnh viện, người bệnh có thể nhắn tin qua điện thoại hay đăng ký trên website lấy số thứ tự vào phòng khám. 
startup giup nguoi dan lay so kham benh tu xa Quỹ Australia 'để mắt' đến các startup Việt giai đoạn đầu

Đây là những tiện ích từ giải pháp "Xếp hàng khám bệnh thông minh" do Công ty CP Dịch vụ Viễn thông May mắn - Lucky Telecom triển khai cho dịch vụ khám tổng quát tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, Bệnh viện Gò Vấp, Bệnh viện Phú Nhuận và Trung tâm Y khoa Medic - Hòa Hảo.

startup giup nguoi dan lay so kham benh tu xa
Hệ thống khám bệnh thông minh lắp đặt tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM, giúp bệnh nhân theo dõi số thứ tự của mình. Ảnh: NVCC.

Hệ thống bao gồm máy chủ tiếp nhận tin nhắn, điều khiển việc cấp số, phần mềm tự động phân tải người đợi, màn hình LED TV báo số thứ tự tại bệnh viện. Bệnh nhân muốn đặt giờ khám sẽ gửi tin nhắn đến tổng đài 8088 với cú pháp "Tên viết tắt bệnh viện-Giờ hẹn khám-Tên khoa khám-Họ tên". Sau khoảng một phút, tổng đài gửi lại tin nhắn phản hồi kèm số thứ tự, giờ khám, số đang khám tại khoa được đăng ký.

Khi hoàn tất việc nhắn tin, hệ thống tự động ghi nhận và chuyển về máy tính tiếp nhận ở bệnh viện để sắp xếp thứ tự theo thời gian thực với bệnh nhân đến lấy số trực tiếp. Ai đăng ký trước có số trước, không phân biệt hình thức xếp hàng truyền thống hay đặt chỗ trực tuyến. Mọi số thứ tự sẽ hiển thị trên màn hình LED TV lắp đặt tại phòng khám hay hành lang bệnh viện. Nhân viên y tế dùng remote điều khiển các thao tác như gọi bệnh nhân tiếp theo, xếp người đến trễ vào hàng chờ...

Để tra cứu thông tin số thứ tự nào đang khám, bệnh nhân nhắn tin hoặc vào website laysokhambenh.vn. Hệ thống tin nhắn cũng cho phép sử dụng dịch vụ báo tin nhắc khi gần tới lượt, trước 2-3 người, giúp người bệnh sắp xếp thời gian di chuyển. Phí mỗi tin nhắn là 1.000 đồng.

Thời gian tổng đài tiếp nhận đăng ký dịch vụ từ 0-17 giờ mỗi ngày, làm việc từ thứ 2 đến thứ 7. Tùy vào quy định của từng bệnh viện mà hệ thống sẽ tiếp nhận bệnh nhân đăng ký qua tin nhắn và cấp từ 10-20 số thứ tự trong mỗi khung giờ nhất định. Khi đã nhận đủ số, hệ thống sẽ gửi thông báo cho người bệnh chuyển sang đăng ký khung giờ khác.

"Cha đẻ" của giải pháp đăng ký khám bệnh trực tuyến này là kỹ sư Nguyễn Khoa Tuấn Anh, xuất phát từ sự trăn trở của bản thân mỗi khi phải bế con trai bị ốm đứng đợi mỏi mòn ngoài cửa phòng khám.

"Dù rất mệt nhưng tôi chả dám bỏ đi đâu vì không biết khi nào đến lượt vào khám, có khi chờ hàng tiếng đồng hồ. Điều này khiến mình nảy ra ý tưởng tạo giải pháp đăng ký lấy số thứ tự từ bất cứ đâu, giúp người dùng biết rõ thời gian còn bao lâu vào khám chứ không cần chờ đợi", Tuấn Anh nhớ lại.

Có lợi thế về công nghệ do đang làm quản lý kỹ thuật cho một công ty viễn thông, cộng thêm đam mê sáng tạo, Tuấn Anh triển khai ý tưởng cùng 4 người bạn. Vào cuối năm 2013, nhóm thành lập Công ty CP Dịch vụ Viễn thông May mắn - Lucky Telecom và ra đời giải pháp "Xếp hàng khám bệnh thông minh" sau 5 tháng nghiên cứu phát triển.

Đa số các thành viên trong đội ngũ vẫn duy trì công việc chính song song với phát triển dự án. Riêng Tuấn Anh, sau khi hoàn thành việc ở công ty lại miệt mài "cày" từ đêm đến 1-2 giờ sáng và cả những ngày cuối tuần.

"Lúc đầu mọi thứ đều do các thành viên tự tay làm, thiếu cái gì thì tự bỏ tiền túi ra. Màn hình LED TV chúng tôi cũng tự thiết kế rồi đặt hàng sản xuất. Tổng vốn bỏ ra chắc phải lên đến vài tỷ", chàng kỹ sư sinh năm 1980 nói.

Thời điểm khó khăn nhất là lúc mới đưa sản phẩm ra thị trường nhưng chưa tìm được khách hàng bởi còn quá mới, dù được đánh giá là một trong 8 giải pháp công nghệ thông tin triển vọng trong cuộc thi Nhân tài đất Việt 2013. Các thành viên phải kiên trì đến các bệnh viện giới thiệu và thuyết phục bệnh viện thử nghiệm dự án. Qua nhiều tháng "chào hàng", Bệnh viện đa khoa Cam Ranh là nơi đầu tiên đồng ý chạy thử giải pháp. Cả nhóm phải mất hơn mới tư vấn thành công Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM đưa giải pháp vào vận hành.

Thế nhưng, khó khăn chưa dừng lại ở đó, giải pháp chưa thực sự đáp ứng đặc thù ở từng bệnh viện. Quy trình chung có thể giống nhau nhưng từng chi tiết mỗi bệnh viện lại khác biệt, ví dụ như cách cấp số ưu tiên, đánh số các phòng khám. Hệ thống lắp đặt tại Bệnh viện Nhi đồng 2 phải thay đổi đến tận 3 lần. Mỗi lần sửa lại, Tuấn Anh lại phải thay mới toàn bộ.

Quá trình kiên nhẫn thử nghiệm ở các bệnh viện đã giúp anh và đồng sự thiết kế sẵn từng mô đun tính năng riêng. Khi nhận đặt hàng, nhóm sẽ tính toán, sắp xếp lại để hệ thống phù hợp mà không ảnh hưởng quy trình chung của bệnh viện.

"Nhờ quá trình đó mà giờ giải pháp triển khai có thể tương thích với 99,9% bệnh viện trong nước, Tuấn Anh tự tin khẳng định.

startup giup nguoi dan lay so kham benh tu xa
Nguyễn Khoa Tuấn Anh - người sáng lập giải pháp "Xếp hàng khám bệnh thông minh". Ảnh: NVCC.

Vượt qua hơn 500 dự án khởi nghiệp trên cả nước, dự án "Xếp hàng khám bệnh thông minh" đã trở thành quán quân cuộc thi Startup Wheel 2015, được Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM tài trợ một tỷ đồng qua chương trình Speed Up 2017 nhằm nâng cấp hệ thống và tuyển dụng nhân sự.

Hiện giải pháp lấy số thứ tự từ xa không chỉ dừng lại ở khâu khám tổng quát mà nhóm đã mở rộng ra khám cận lâm sàng. Đây là phần khá phức tạp vì gồm nhiều khâu nhỏ như chụp X-quang, siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)... Tại nhiều bệnh viện, bệnh nhân khám cận lâm sàng phải lấy số thứ tự nhiều lần, tùy theo chỉ định khám của bác sĩ, tiêu tốn khá nhiều thời gian. Với giải pháp này, bác sĩ sau khi chỉ định khám cận lâm sàng sẽ in phiếu có mã khám bệnh bằng QR code để bệnh nhân sử dụng trong suốt quá trình khám, trả kết quả và lấy thuốc. Phiếu cũng ghi sẵn thời gian chờ ở mỗi khu, giúp người bệnh lựa chọn, chủ động khám khâu nào trước.

Nguyễn Hoàng Anh - chuyên viên lập trình của dự án tính toán: "Nếu ứng dụng công nghệ này, dự kiến mỗi bệnh nhân đi khám một khu cận lâm sàng sẽ tiết kiệm 10-20% thời gian, người nào khám 3-4 cận lâm sàng sẽ tiết kiệm 60% tổng thời gian khám".

Nhóm cũng đang mở rộng hệ thống để người bệnh không chỉ đăng ký số thứ tự qua tin nhắn mà còn qua các phương tiện như điện thoại đến tổng đài ở bệnh viện, hẹn khám và thanh toán trực tiếp qua website và ứng dụng điện thoại, dự kiến hoàn tất vào năm 2018. Bệnh viện đặt hàng phương thức nào thì công ty sẽ sản xuất và lắp đặt hệ thống tương ứng.

Trải qua 5 năm, đến nay dự án vẫn chưa thu lợi nhuận vì chi phí nâng cấp thiết bị, phần mềm khá lớn và luôn phải đầu tư nhiều hơn để theo kịp sự phát triển công nghệ hiện đại trên thế giới. Phí nhắn tin thu từ bệnh nhân chủ yếu dùng để thanh toán lại cho tin báo đăng ký thành công do tổng đài gửi về nên hầu như dịch vụ này không có lãi.

"Để khởi nghiệp thì ý tưởng tốt chưa đủ mà còn cần phải kiên trì. Hiện giờ tôi vẫn đăng ký học MBA để có nền tảng về kinh doanh, bởi đây là phần nhóm còn yếu", Tuấn Anh cho biết.

CEO 8x tin tưởng giải pháp sẽ thu lợi nhuận khi được nhiều bệnh viện ứng dụng, thông qua việc cho đặt quảng cáo tại màn hình LED và trên website. Lucky Telecom cũng đang kêu gọi đối tác góp vốn để giúp dự án phát triển nhanh hơn.

Y Vân