|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup cần vươn ra thế giới

20:45 | 27/06/2018
Chia sẻ
Các startup Việt cần chuẩn bị hành trang tốt hơn nếu muốn tham gia các hoạt động gọi vốn, thu hút nhà đầu tư, đó là nhận xét của một số chuyên gia tư vấn khởi nghiệp tại Diễn đàn kết nối startup Việt trong và ngoài nước.
startup can vuon ra the gioi

Các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp ngồi lắng nghe các startup trình bày dự án khởi nghiệp, sản phẩm để có thể góp ý hoàn thiện dự án/sản phẩm. Ảnh: Chí Thịnh

Sáng 27-6, trong khuôn khổ phiên trình bày các dự án khởi nghiệp (chương trình hoạt động của Diễn đàn kết nối startup Việt trong và ngoài nước), các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp cho rằng các công ty/dự án khởi nghiệp trong nước nên sớm định hướng mục tiêu phát triển thị trường quốc tế (Go Global). Cho dù, hiện tại có nhiều startup vẫn chủ yếu phát triển sản phẩm và tìm kiếm khách hàng, nguồn thu… từ thị trường trong nước nhưng chắc chắn họ phải nghĩ tới tương lai.

Mặt khác, sự kết nối mạng lưới các chuyên gia tư vấn tài chính, sở hữu trí tuệ… trên phạm vi toàn cầu của phần lớn startup vẫn còn hạn chế. Thông thường, chỉ có những startup đã từng nhận vốn đầu tư nước ngoài mới có được cơ hội kết nối với mạng lưới chuyên gia tư vấn, công ty tài chính, quản trị doanh nghiệp…

Đồng thời, nếu thực sự các startup muốn tham gia vào các hoạt động gọi vốn đầu tư khởi nghiệp thì phải chuẩn bị kỹ càng những thông tin cần thiết, cung cấp cho nhà đầu tư. Có thể kể tới một số thứ như thông tin về đối thủ cạnh tranh (phải biết điểm mạnh, điểm yếu của họ), độ lớn của thị trường, định hướng mục tiêu phát triển…

Ông Shlomo Nimrodi, Giám đốc Điều hành Trung tâm gắn kết kinh doanh Ramot thuộc Đại học Tel Aviv (Israel) nhận xét về dự án khởi nghiệp Ekid Studio như sau: Startup nên tập trung, định hướng vào những phần việc cụ thể như áp dụng công nghệ để dạy ngôn ngữ. Đây cũng là nhu cầu sử dụng khá lớn trên thị trường.

Tuy nhiên, ông Patrick Nguyễn, người sáng lập của Ekid Studio lại nghĩ khác: "Tôi không muốn trở thành công ty dạy tiếng Anh, hiện tại ở Việt Nam cũng đã có nhiều công ty làm việc này. Mục tiêu của Ekid Studio là phát triển công ty chuyên về thực tại tăng cường (AR-Augmented Reality) trong lĩnh vực giáo dục".

Trên thực tế, có những startup trong nước phát triển sản phẩm/dịch vụ tốt; đưa ra giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường (giải quyết vấn đề cấp thiết của khách hàng)… nhưng đầu ra của các startup này đôi khi lại vướng mắc. Nếu họ chỉ loay hoay trong khu vực một vài thành phố (như Hà Nội, TPHCM…) thì không sao, họ vẫn tìm kiếm được khách hàng; nhưng khi bắt đầu muốn mở rộng thị trường lại gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng hoặc nguồn vốn đầu tư.

Tại diễn đàn, bà Thạch Lê Anh, đồng sáng lập Quỹ khởi nghiệp Vietnam Silicon Valley (VSVA - Vietnam Silicon Valley Accelerator) cũng nêu ra những khó khăn của startup Việt trong việc gọi vốn. Có những startup dù phát triển sản phẩm tốt nhưng không thể tìm được vốn đầu tư; đồng thời số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam còn khá ít.

Theo số liệu năm 2016, tổng số vốn đầu tư cho các startup Việt Nam chỉ đạt mức 100 triệu đô la; con số này chưa đạt được 7% trong số 1,5 tỉ đô la mà các startup ở khu vực Đông Nam Á tiếp cận được.

Chí Thịnh