Sợi Thế Kỷ mở lối thoát sau khi mất thị trường Thổ Nhĩ Kỳ
Sợi Thế Kỷ đang định hướng phát triển 4 thị trường chính: Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc và thị trường nội địa (Ảnh: STK) |
Dịch chuyển thị trường
Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (Mã: STK) cho biết kết quả sơ bộ về kết quả kinh doanh quý I/2017 của công ty.
Theo đó, doanh thu công ty đạt 44,5 tỷ đồng, tăng 69%; LNTT 23,1 tỷ đồng, gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước. Thật bất ngờ, mức lợi nhuận này còn bằng 75% tổng lợi nhuận cả năm 2016.
Lại nói về năm 2016, kết quả doanh thu tăng 34% song lợi nhuận sau thuế lại giảm 60% so với năm trước vì ảnh hưởng từ vụ kiện chống bán phá giá của Thổ Nhĩ Kỳ vào nửa cuối năm. Trong khi đó, 9 tháng đầu năm 2016, thị trường Thổ Nhĩ Kì chiếm 24% giá trị xuất khẩu và 22% sản lượng xuất khẩu của Sợi Thế Kỷ.
Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng sợi DTY nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 34,81% nên công ty chủ động giảm giá bán (khoảng 15% so với giá bình quân năm 2015) để tăng doanh số và giữ thị phần. |
Cũng theo số liệu từ STK, thị phần của Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ giảm từ 9,8% năm 2015 xuống 5,7% năm 2016 do sức cầu yếu cộng thêm sự cạnh tranh khốc liệt của các thị trường. Nhưng, Việt Nam lại đón nhận thêm nhiều cơ hội mới trong năm này.
Xuất khẩu sợi của Việt Nam sang Hàn Quốc lại tăng 234% do nước này giảm thuế nhập khẩu sợi polyester filament từ 8% xuống 0% từ cuối năm 2015. Do đó, thị phần của Việt Nam tăng từ 2,9% năm 2015 lên 8,6% năm 2016.
Đón nhận sóng này, Sợi Thế Kỷ xác định Hàn Quốc chính là thị trường thay thế tiềm năng, không thể bỏ qua. Theo Chủ tịch HĐQT, Hàn Quốc là thị trường mới của công ty nhưng công suất tiêu thụ đã lên tới 1.200 tấn/tháng vào cuối năm 2016. Năm 2017, thị trường này vẫn giữ công suất tiêu thụ khoảng 1.000 - 1.400 tấn/tháng.
Ngoài thị trường Hàn Quốc, Công ty hiện tập trung vào ba thị trường chính khác là Thái Lan, Nhật Bản và một phần thị trường nội địa, gồm các doanh nghiệp FDI.
Tại thị trường nội địa, công suất tiêu thụ khoảng 3.000 - 3.200 tấn/tháng. Thị trường Thái Lan, công suất tiêu thụ 200 - 500 tấn/ tháng.
Hiện công ty đang hướng vào thị trường Nhật Bản, triển vọng 1.000 tấn/tháng, tuy nhiên hiện tại mới khởi động.
Theo bản tin phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), có vẻ như Sợi Thế Kỷ đang muốn ưu tiên phát triển thị trường nội địa và Châu Á. Định hướng này, theo VDSC đánh giá là có tiềm năng do ba nguyên nhân.
Thứ nhất, việc nguy cơ Hiệp định TPP bị hoãn lại, cùng với Hiệp định EV-FTA sắp được thực thi vào năm 2018 sẽ thúc đẩy sự phát triển của các nhà máy vải hơn là nhà máy sợi, tạo nguồn cầu nội địa ổn định cho STK.
Thứ nhì, Việt Nam đã ký Hiệp định FTA với Hàn Quốc (có hiệu lực ngày 20/12/2015) và Nhật Bản (có hiệu lực ngày 01/10/2009) nên các mặt hàng sợi xuất sang hai thị trường này có lợi thế về giá bán hơn so với các doanh nghiệp Trung Quốc đang chịu thuế nhập khẩu 8% tại thị trường Hàn Quốc và 5% tại thị trường Nhật Bản. Thị trường Nhật Bản vốn khá khó tính với các yêu cầu kỹ thuật cao, tuy nhiên, nếu đáp ứng được các tiêu chuẩn này, đơn hàng từ thị trường này sẽ mang lại biên gộp khá tốt cho STK.
Thứ ba, STK đang bị áp thuế chống bán phá giá 34,81% tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này khiến năng lực cạnh tranh của STK bị ảnh hưởng đáng kể. Hiện có không ít quốc gia tại Châu Âu vẫn đang xem Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường (trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ), do đó không quá tập trung vào thị trường này trong giai đoạn này có thể xem là hợp lý.
Triển vọng khả quan cho năm 2017
Sợi Thế Kỷ đã hoàn tất việc đầu tư mở rộng nhà máy Trảng Bàng 4, nâng tổng công suất lên 60.000 tấn DTY và FDY/năm vào cuối năm 2016. Ngoài ra, ông Đặng Triệu Hòa còn tiết lộ 2 dự án đầu tư mới của Sợi Thế Kỷ trong năm 2017 để sản xuất loại sợi màu và sợi chập. Đây đều là các loại sợi chất lượng cao, biên gộp tốt, được nhiều nhà sản xuất ưu tiên sử dụng, theo đánh giá của VDSC.
Thứ nhất, Sợi Thế Kỷ hợp tác với E.DYE Limited (một nhà cung ứng chính cho các thương hiệu thể thao lớn trên thế giới) để thành lập Công ty liên doanh – Công ty Cổ phần E.DYE Việt Nam làm dự án sợi màu.
Vốn đầu tư 10 triệu USD, trong đó vốn chủ sở hữu 34%, vốn vay 66%. Tỷ lệ góp vốn của STK là 36%. Dự án này đầu tư dựa trên nền tảng thiết bị có sẵn của công ty, như vậy sản phẩm sẽ chuyển từ sợi trắng sang sợi màu, đáp ứng thêm nhu cầu của thị trường mà Sợi Thế Kỷ không mất nhiều chi phí.
Thứ hai, Dự án sợi chập hợp tác với đối tác chiến lược nước ngoài thông qua công ty con của STK là công ty UNITEX. Dự án sử dụng nguồn nguyên liệu là sợi tái chế được sản xuất và cung cấp bởi STK. Dự án sẽ được triển khai trong năm 2017. Phương án góp vốn đang được các bên thảo luận.
Bên cạnh đó, năm 2016, Sợi Thế Kỷ còn ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu về sản xuất sợi tái chế, bắt đầu triển khai bán mặt hàng này tại Việt Nam và quốc tế. Năm 2016, sản phẩm sợi tái chế đem về gần 37 tỷ đồng doanh thu. Sợi Thế Kỷ tự tin sản phẩm có thể cạnh tranh với sản phẩm của các công ty lớn như Far Eastern New Century, Formosa và Shinkong.
VDSC cho rằng việc phát triển mảng sợi tái chế sẽ giúp cải thiện kết quả hoạt động kinh doanh của Sợi Thế Kỷ đáng kể khi mặt hàng sợi tái chế có biên gộp khá cao (không thấp hơn 24%) và nguồn cung tương đối hạn chế.
Vì lẽ đó, VDSC nhận định, trong trường hợp cung cầu trên thị trường sợi tiếp tục diễn biến thuận lợi như hiện nay, kế hoạch LNST năm 2017 là 87,1 tỷ đồng (tăng 200%) của STK là khả thi. EPS tương ứng với mức lợi nhuận này sẽ là 1.627 đồng/cổ phiếu.
Kế hoạch năm 2017 được đặt ra dựa trên số liệu ước tính về giá bán sản phẩm bình quân tăng 4,1%, giá nhập chip tăng khoảng 5,5% so với năm 2016. Một số chi phí dự kiến tăng như tiền điện tăng 3%, khấu hao tăng 18,7%, tiền lương tăng 5%. Ngoài ra, dự báo VNĐ mất giá khoảng 2% so với USD trong năm 2017. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 5% so dự án Thái Bình được hưởng thuế suất ưu đãi. |
ĐHCĐ Sợi Thế Kỷ: Lợi nhuận quý I hơn 23 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ năm trước
Chủ tịch HĐQT Sợi Thế Kỷ cũng tiết lộ 2 dự án đầu tư mới của công ty, trong đó có một dự án sợi ... |
HSC: Sợi Thế Kỷ sẽ khó lòng tìm được thị trường bù đắp mất mát "vụ Thổ Nhĩ Kì"
HSC cho rằng nếu nhu cầu từ thị trường Thổ Nhĩ Kì giảm mạnh (điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra) thì STK sẽ khó ... |