Singapore dẫn đầu bảng xếp hạng các quốc gia thu hút tài năng ở châu Á
Singapore được xếp hạng cao nhất trong các quốc gia châu Á về khả năng thu hút và phát triển nhân tài, phản ánh không chỉ hệ thống giáo dục tương đương với tầm thế giới mà còn khả năng thích nghi với kỹ thuật trong kỷ nguyên công nghệ số.
Theo chỉ số cạnh tranh tài năng toàn cầu (GTCI), được một trường thương mại của Pháp, INSEAD công bố hôm thứ Ba (18/4), Singapore xếp thứ hai sau Thụy Sỹ. Bên cạnh đó, châu Á Thái Bình Dương chỉ có thêm một thành viên nữa được xếp trong top 10 quốc gia là Australia.
Bảng xếp hạng top 10 quốc gia dẫn đầu về cạnh tranh tài năng. (Nguồn: Bloomberg). |
Chỉ số GTCI đánh giá khả năng thực hiện, thu hút, phát triển và giữ các tài năng của một quốc gia, cũng như phát triển tri thức toàn cầu, và các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ thuật. Các quốc gia được xếp hạng cao có chung những lợi thế chủ chốt, bao gồm: chính sách tuyển dụng linh hoạt, hệ thống giáo dục tốt và năng lực công nghệ.
Chính phủ Singapore đang tìm cách xây dựng nền kinh tế quốc gia thành trung tâm công nghệ cao của khu vực. Theo đó, chính phủ đang trợ giúp các công ty nhỏ áp dụng các công nghệ mới và hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề. Với chính sách hạn chế nhập cư, Singapore đang thúc đẩy tự động hóa một số việc làm có tay nghề thấp, như quét dọn.
Ông Su Yen Wong, giám đốc điều hành của Viện Lãnh đạo Vốn Nhân lực (Human Capital Leadership Institute) của Singapore, cho biết: “Công nghệ số sẽ giúp các nền kinh tế nhỏ và dễ bị tác động như Singapore vượt qua giới hạn của họ bằng cách tạo ra mục tiêu cho các doanh nghiệp và những tài năng vươn tới thị trường toàn cầu”.
Một số nền kinh tế lớn nhất châu Á chỉ xếp hạng ở mức thấp. Cụ thể, Nhật Bản đã giảm 3 điểm xuống vị trí 22 trên thế giới, trong khi Trung Quốc xếp ở vị trí 54 và Ấn Độ là 92.
Ông Bruno Lanvin, giám đốc điều hành chỉ số toàn cầu ở INSEAD, nhận định: “Thách thức lớn cho Trung Quốc và Ấn Độ là khả năng thu hút nhân tài của họ, và cả hai quốc gia đều đang đối mặt với việc người lao động có tay nghề cao đều di cư sang nước ngoài để sống và làm việc. Để cải thiện điều này, các quốc gia có thể thúc đẩy các chính sách về quy định và thị trường”.
Malaysia có chỉ số cao nhất trong các quốc gia có thu nhập ở mức trên trung bình và đứng ở vị trí thứ 28 trên thế giới, đánh bại các quốc gia có nền kinh tế mạnh hơn Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Italy. Cũng theo nghiên cứu này, các quốc gia ở Đông Nam Á có kết quả cao vì các kỹ năng nghề nghiệp, kỹ thuật, và cởi mở với các tài năng đến từ các quốc gia khác.
Các quốc gia đi đầu về cạnh tranh tài năng ở châu Á. (Nguồn: Bloomberg) |