|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shop online, mỗi tháng tốn 1.000 USD làm tiếp thị

09:52 | 08/02/2018
Chia sẻ
Theo báo cáo của Bizweb vừa công bố, 24% shop online chi trên 20 triệu đồng/tháng cho tiếp thị, còn lại 63% chi dưới 20 triệu đồng/tháng.

Năm kênh tiếp thị được các shop online sử dụng nhiều nhất là quảng cáo Facebook (80%), đăng bài trên các diễn đàn (63%), tối ưu hóa công cụ tìm kiếm-SEO (62%), quảng cáo Google Adwords (56%), quảng cáo Zalo (52%).

Giữa các nhóm ngành, tỷ lệ shop có dành ngân sách tiếp thị trong năm 2017 gần tương đương nhau, tỷ lệ cao nhất ở ngành Phương tiện - phụ tùng (88%), thấp nhất là Sách truyện - văn phòng phẩm (53%).

shop online moi thang ton 1000 usd lam tiep thi

Dự kiến năm 2018, các shop sẽ đầu tư hơn cho ngân sách tiếp thị, tỷ lệ shop không tiếp thị giảm xuống còn 10%, 29% chi trên 20 triệu đồng/tháng, còn lại 61% chi dưới 20 triệu đồng/tháng.

Thời trang - phụ kiện vẫn là lĩnh vực hot, được nhiều người lựa chọn kinh doanh online nhất (18%), sau đó là Công nghệ điện tử (15%), Dược phẩm - làm đẹp - Spa (9%), Mỹ phẩm - trang sức (9%) và Dịch vụ - du lịch - khách sạn (9%). Mỗi shop được khảo sát có trung bình khoảng 6 nhân viên, trong đó 80% shop có dưới 20 nhân viên, 20% shop có trên 20 nhân viên.

Ngoài website, các shop sử dụng phổ biến nhất kênh bán tại cửa hàng (79%) và sau đó là Mạng xã hội, Sàn giao dịch TMĐT. Với các trang mạng xã hội, 91% shop trả lời khảo sát có sử dụng Facebook, tỷ lệ này ở Zalo là 68%.

Các sàn giao dịch TMĐT được sử dụng phổ biến nhất lần lượt là Shopee (55%), Sendo (52%), Lazada (49%), Adayroi (36%).

Trung bình mỗi shop có 40% doanh thu từ kinh doanh online trong tổng doanh thu. 66% shop cho hay doanh thu online chiếm dưới 1 nửa tổng doanh thu, còn lại chiếm trên một nửa. Những shop đang bán hàng trên website hiệu quả có mức doanh thu trung bình khoảng 1,4 tỷ đồng.

Doanh thu trung bình của mỗi shop năm 2017 khoảng 1,2 tỷ đồng. Trong các nhóm ngành, Xây dựng - cơ khí - thiết bị là ngành có doanh thu trung bình năm 2017 cao nhất (gần 1,7 tỷ đồng/shop), tiếp đó là Phương tiện - phụ tùng (1,6 tỷ đồng/shop), Dịch vụ - du lịch - khách sạn (1,4 tỷ đồng/shop), Nội thất (1,3 tỷ đồng/shop). Thấp nhất là Đồ gia dụng - sinh hoạt (khoảng hơn 600 triệu đồng/shop).

Theo nhận định của Bizweb, cùng với xu hướng bán hàng đa kênh omnichannel, hành vi mua sắm của khách hàng mục tiêu giờ đây trở nên phức tạp hơn nhiều. Việc quá phụ thuộc vào một kênh bán hàng, dù trước mắt có hiệu quả đến mấy, vẫn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Những chủ shop được đánh giá làm ăn hiệu quả đa phần là phát triển bán hàng đa kênh, mà không thể bỏ qua bộ 3 kênh quan trọng nhất là Website - Facebook - Cửa hàng tạo thành thế chân vạc vững chắc.