Sếp doanh nghiệp lãnh hơn 1,8 tỉ đồng/năm!
5 doanh nghiệp Bỉ muốn bán khoai tây chiên tại Việt Nam | |
Doanh nghiệp lãi trăm tỷ nhờ bán đồ lưu niệm tại sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất |
Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) nhà nước cho thấy tiền lương bình quân với người quản lý chuyên trách thuộc 5 bộ, ngành, 50 địa phương và 10 tập đoàn, tổng công ty năm 2017 là 30,79 triệu đồng/tháng, thu nhập bình quân 32,99 triệu đồng/tháng.
Gấp hàng chục lần lương người lao động
Tính riêng 32 tập đoàn, tổng công ty hạng đặc biệt thì tiền lương bình quân là 78,92 triệu đồng/tháng. Trong đó, 26 DN 100% vốn nhà nước có tiền lương cho người quản lý chuyên trách là 49,81 triệu đồng/tháng; 6 DN có vốn góp chi phối của nhà nước (trong đó có 3 ngân hàng thương mại là VietinBank, Vietcombank và BIDV) thì lương trung bình là 154,73 triệu đồng/tháng (hơn 1,8 tỉ đồng/năm).
Theo quy định hiện hành, mức lương, thù lao của lãnh đạo DN nhà nước được trả theo mức lương cơ bản nhân với hệ số hoàn thành về chỉ tiêu lợi nhuận. Cụ thể, Nghị định 52/2016 về lương, thù lao, thưởng với người quản lý DN 100% vốn nhà nước quy định mức lương cơ bản 35-36 triệu đồng/tháng. Nếu DN có lợi nhuận vượt kế hoạch, sẽ được tính hệ số lương tăng thêm bằng 0,5-1 lần mức lương cơ bản trên. Như vậy, lãnh đạo DN nhà nước thuộc nhóm này hưởng lương cao nhất không vượt quá 72 triệu đồng/tháng.
Còn tại DN nhà nước nắm cổ phần chi phối, mức lương cơ bản của lãnh đạo DN không vượt quá 36 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, DN có lợi nhuận vượt kế hoạch sẽ được nhận lương tăng thêm theo hệ số tùy thuộc vào biên độ lợi nhuận hằng năm với hệ số từ 0,5-2,5 lương cơ bản. Theo đó, lương cao nhất với lãnh đạo thuộc nhóm này là 151,2 triệu đồng/tháng.
So sánh với người lao động thì mức lương trên chênh lệch gấp hàng chục lần. Chẳng hạn, mức lương trung bình cao nhất của người lao động năm 2017 thuộc về các công ty TNHH MTV do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cũng chỉ ở mức 7,9 triệu đồng/tháng. Lương bình quân tại công ty cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước là 7,3 triệu đồng/tháng; DN dân doanh 5,6 triệu đồng/tháng.
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh bình luận: "Lương lãnh đạo DN quá cao so với lương công chức mà lại không phụ thuộc rõ ràng vào hiệu quả kinh doanh của DN".
Cán bộ quản lý BIDV nhận lương hơn 1,8 tỉ đồng/năm. Ảnh: TẤN THẠNH |
"Ăn" đơn, "ăn" kép
TS Lê Đăng Doanh cho rằng cách tính lương như hiện nay chưa hợp lý. Cụ thể, đối với DN có vốn góp chi phối của nhà nước, nếu lợi nhuận đạt 700-1.500 tỉ đồng thì lãnh đạo được hưởng hệ số tăng thêm từ 0,5-2,5 lần. Nếu chỉ áp dụng lương trên quy mô lợi nhuận thì sẽ gây thiếu công bằng giữa các DN khác nhau. DN nhỏ, vốn ít dù kinh doanh hiệu quả cũng khó đạt lợi nhuận 700 tỉ đồng.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, cho rằng nguyên tắc trả lương phải theo thị trường. Bởi thực tế, ở khu vực bên ngoài nhà nước, mức lương trả cho các lãnh đạo DN được thuê còn cao hơn khối nhà nước rất nhiều. Do đó, theo ông Huân, điều quan trọng nhất không phải là "soi" vào thu nhập kịch khung 151,2 triệu đồng/tháng mà nên quản vấn đề tài chính tại DN, bởi thực tế, "chẳng có mấy ông lãnh đạo DN sống bằng tiền lương, họ sống bằng cái khác".
"DN tư nhân hoặc DN nước ngoài quản lý tài chính rất chặt và rất rõ. Người được thuê làm giám đốc, phó giám đốc… chỉ được hưởng mức lương, thưởng theo hợp đồng, hiệu quả công việc thể hiện qua lợi tức hằng năm. Còn ở nước ta, nhà nước vẫn bổ nhiệm lãnh đạo nên vẫn có tình trạng "ăn" đơn, "ăn" kép. Theo đề án cải cách chính sách tiền lương vừa được trình tại Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, chính sách tiền lương ở khu vực DN nhà nước sẽ thay đổi lớn theo hướng tiến tới thuê HĐTV độc lập và trả lương từ lợi nhuận sau thuế" - ông Huân góp ý.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thuong binh và Xã hội cũng đề nghị nhà nước cần đề ra cơ chế kiểm soát, giám sát để ngăn chặn các DN làm ăn kém hiệu quả, thua lỗ trong khi lãnh đạo vẫn nhận lương cao. Phải tiến tới gắn tiền lương lãnh đạo với trách nhiệm, năng suất, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, lợi nhuận DN có được. Thậm chí, nếu không hoàn thành mục tiêu phải bị cách chức, đền bù thiệt hại.
Phải đẩy nhanh cổ phần hóa
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, góp ý cùng với cải cách tiền lương, cần phải đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DN nhà nước, giảm tỉ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại DN. Bởi vì, DN nhà nước nắm giữ 51% vốn vẫn bị chính sách tiền lương của nhà nước chi phối, còn DN đã thoái hết vốn hoặc giữ tỉ lệ vốn thấp thì chế độ lương, thưởng của lãnh đạo sẽ theo kết quả sản xuất - kinh doanh. Khi đó, bản thân người lãnh đạo cũng có thể sống bằng đồng lương xứng đáng, không phải trông vào hoa hồng hoặc các khoản ngoài lương.