SCIC thoái vốn tại FPT và FPT Telecom: Mẹ & Con – Ai hấp dẫn hơn?
Đây là 2 “món hàng” được đánh giá đều có sức hấp dẫn, nhưng không phải nhà đầu tư nào cũng muốn ôm.
Sức hút của viễn thông
Trong số khoảng 20 ngành nghề kinh doanh chính của FPT, ngành nghề lõi làm nên tên tuổi của Công ty quy mô tập đoàn này vẫn là dịch vụ công nghệ thông tin và viễn thông. Trong số đó, viễn thông – ngành chính của Công ty con FPT Telecom thuộc FPT, được đánh giá đang ăn nên làm ra và ngày càng có triển vọng. Cụ thể, từ năm 2012 cho đến nay, FPT Telecom luôn đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng lợi nhuận trước thuế của tập đoàn.
Năm 2016, FPT Telecom được đánh giá sẽ tiếp tục là “gà đẻ trứng vàng” cho các chủ sở hữu, trong đó lớn nhất là SCIC với gần 50,2% vốn và hơn 47% còn lại thuộc về FPT.
Số liệu từ Cục Viễn Thông cho biết, tăng trưởng thuê bao sử dụng cáp quang ở VN là một cơ sở nguồn thu của các DN ngành viễn thông: Đầu năm 2014, VN có 280 nghìn thuê bao sử dụng cáp quang (FTTH) thì đến đầu năm 2016 là 3,63 triệu thuê bao. Sự bùng nổ về cáp quang, với xu hướng quang hóa kết nối vẫn đang tiếp tục khi tính đến tháng 7 năm nay, số thuê bao cáp quang là 5,3 triệu.
Sự bùng nổ của cáp quang được giải thích là do có giá thành cao hơn không nhiều so với cáp đồng, trong khi tốc độ đường truyền lại vượt trội, cao gấp khoảng 4 lần. Trong giai đoạn bùng nổ vừa qua, đáng chú ý cả 3 nhà mạng FPT VNPT và Viettel có lượng thuê bao tăng thêm xấp xỉ nhau.
Trong đó, Viettel là 1 triệu thuê bao, VNPT 935 nghìn thuê bao và FPT là 874 nghìn thuê bao và cả 3 nhà mạng đều triển khai thử nghiệm 4G. Sức hút của thị trường này càng tăng khi ngày 01/07/2016, Mobiphone ra mắt đường trục truyền dẫn Bắc Nam, trở thành công ty thứ 4 sau Viettel, Vinaphone và FPT Telecom.
Chứng khoán KIS nhận định triển vọng cuối năm và 2017 của ngành viễn thông VN đang dựa vào những yếu tố rất lạc quan: Thứ nhất, còn khoảng 2,5 triệu thuê bao cáp đồng sẽ chuyển đổi sang cáp quang. Thứ hai, chính thức cấp phép mạng 4G từ cuối tháng 9. Thứ ba, thuê bao băng rộng di động sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn băng rộng cố định do tính linh hoạt và chi phí ngày càng rẻ. Thứ 4, Mobiphone có thể sẽ được CPH, tạo sức hút nguồn vốn cho ngành viễn thông nói chung.
Trong xu thế đó, FPT Telecom cũng đã thi triển kế hoạch kinh doanh khả quan với doanh thu 6 tháng 2016 là 3191 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận gần như không đổi, đạt 451 tỷ đồng. Nguyên do lợi nhuận không đổi được cho là bởi FPT Telecom đang đầu tư quang hóa ở một số các tỉnh thành lớn và chi phí khấu hao sẽ hoàn tất vào cuối năm nay.
Có nghĩa là năm sau, thị phần FPT Telecom không chỉ hứa hẹn tăng vọt như đang hiện nay so với sự co hẹp của những nhà mạng còn lại như VNPT, mà còn đồng thời ghi nhận lợi nhuận hấp dẫn hơn.
Nhà đầu tư sẽ “canh cửa” ?
Nếu so với chính “mẹ” FPT, có thể nói FPT Telecom được đánh giá cao hơn, không chỉ ở chính tiềm năng tăng trưởng mà còn sự tập trung vào ngành lõi hạ tầng ít bị “xâu xé”bởi những DN khác ngoài những ông lớn đang có trên thị trường.
Theo đó, sức ép cạnh tranh lẫn chi phí đều không cao, trong khi FPT nhìn chung vẫn ghi nhận tăng trưởng đều đặn, nhưng bị chia sẻ nguồn lực ở nhiều Công ty con hoạt động ở các ngành khác.
Chiến lược bán 2 mảng FPT Trading và FPT Retail có thể chính là con đường mà FPT đang thực thi cấu trúc lại, quay về và tập trung cho ngành lõi ăn nên làm ra với “con” mình. Nhưng mặc dù FPT Telecom là “con cưng” của FPT, thực tế việc đóng góp vào lợi nhuận trước thuế của cho Công ty mẹ tuy được ghi nhận tỷ trọng cao, nhưng cũng không mang về cho cổ đông, trừ SCIC lợi ích tốt. Bởi tỷ lệ sở hữu của FPT tại FPT Telecom là khiêm tốn.
Do đó, thị trường đang cho rằng có thể việc SCIC thoái vốn hơn 50% tại FPT Telecom sẽ không mở nhiều “cửa” cho những nhà đầu tư khác ngoài chính FPT. Năm 2014, FPT đã mua thêm cổ phiếu FPT Telecom từ cổ đông thiểu số với mức giá 52.000 đồng/cp.
Một phân tích không chính thức cho biết có khả năng với lộ trình phát triển và triển vọng gần như hiện hữu, trước mắt, giá mục tiêu mà FPT có thể thương thảo với SCIC để sở hữu thêm cổ phần FPT Telecom sẽ khá cao và thậm chí không thua giá mục tiêu của FPT đang được khuyến nghị trên 54.000đồng/cp trong thời gian tới. Tương đương, phần vốn của SCIC tại FPT Telecom sẽ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Nói cách khác FPT cần một nguồn lực “tiền tươi thóc thật” để tăng sở hữu ở “con cưng”, ít nhất tới 96% theo Luật định.
Do đó, giới đầu tư đang đặt ra hai kịch bản: Thứ nhất, FPT sẽ bán các mảng đầu tư như trên đề cập, tạo nguồn tiền mua lại cổ phần. Thứ hai, FPT sẽ phát hành tăng vốn điều lệ, mua FPT Telecom. Cả 2 kịch bản này đều chưa có những tín hiệu cụ thể hơn, nhưng thực tế FPT đã tăng vốn thêm 20 tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên mới đây và có vẻ như chưa có thêm kế hoạch tăng vốn lớn.
Dù vậy, trong một cuộc gặp gỡ nhà đầu tư quốc tế vừa diễn ra, một nguồn tin cho biết đại diện FPT đã gặp gỡ, giới thiệu về DN mình đến các tổ chức, cá nhân, như một Tập đoàn số 1 về phần mềm, công nghệ thông tin, viễn thông.
Một chuyên gia nhận định hẳn sẽ chẳng ai “mất công” đi “trình diễn” ở một nơi hội tụ các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội đầu tư thực tế, nếu FPT không ấp ủ muốn “bán một thứ gì đó”. Cần lưu ý là FPT hiện tại đã kín room khối ngoại và DN dường như cũng chưa có ý định nới room. Có lẽ cũng vì lẽ đó, đại diện một tổ chức ngoại từng đầu tư cách đây cả 10 năm vào FPT cho biết, với 6% vốn SCIC đang sở hữu, việc bán ra không hoàn toàn dễ dàng nếu đối tác là tổ chức đầu tư dài hạn. Nguyên do là tỷ lệ sở hữu quá nhỏ và cũng vì vậy, nhà đầu tư tổ chức thường sẽ quan tâm hơn đến FPT Telecom.
“Trong trường hợp FPT mua được FPT Telecom, đồng thời chấp nhận nới room, chúng tôi cũng như nhiều tổ chức khác chắc chắn sẽ canh cửa chờ SCIC thoái vốn và chờ FPT phát hành thêm. Tất nhiên, với một số điều kiện tiên quyết: Tỷ lệ sở hữu FPT không quá nhỏ giọt, giá cả hợp lý dành cho nhà đầu tư chiến lược”, ông này nói.
Theo Lê Mỹ
Diễn đàn Doanh nghiệp