Sau nộp đơn phá sản, Toys ‘R’ Us tìm cơ hội đầu tư 2 tỷ USD tại châu Á
Theo nguồn tin Bloomberg nhận được, chuỗi bán lẻ đồ chơi hàng đầu nước Mỹ Toys "R" Us và đối tác liên doanh, anh em tỷ phú nhà Fung, đã thảo luận với các ngân hàng đầu tư để nghiên cứu tính khả thi của việc niêm yết cổ phiếu của liên doanh châu Á trên sàn chứng khoán Hong Kong. Giá trị của thỏa thuận này có thể lên đến 2 tỷ USD.
Toys “R” Us và các chi nhánh của hãng tại Bắc Mỹ đã đệ đơn xin phá sản vào tháng 9, nhưng các công ty con tại châu Á không thuộc diện phá sản này. Vụ việc vẫn chưa đến hồi kết và Toy “R” Us cũng chưa quyết định bước đi tiếp theo của mình. Toys “R” Us góp 85% vốn trong liên doanh tại châu Á, trong khi 15% còn lại thuộc về Fung Group của anh em tỷ phú người Hong Kong Victor và William Fung.
Hãng đồ chơi Mỹ Toys ‘R’ Us phá sản bởi nợ và cạnh tranh trực tuyến |
Việc hãng nộp đơn xin phá sản có thể khiến quá trình niêm yết phức tạp hơn và gây khó khăn trong mời gọi các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đợt IPO liên doanh châu Á của Toys “R” Us lần này sẽ giúp các nhà góp vốn tư nhân của hãng thu hồi lại một phần tiền đầu tư bằng cách bán cổ phần của liên doanh vốn vẫn đang ăn nên làm ra.
Thomas Jastrzab, nhà phân tích bán lẻ tại Bloomberg Intelligence đánh giá thị trường châu Á với thu nhập người dân đang tăng lên, kéo theo đó nhu cầu mua đồ chơi cao cấp đang tăng trưởng nhanh hơn so với Tây Âu và Bắc Mỹ.
Toys “R” Us hiện đang thống lĩnh thị trường đồ chơi truyền thống trị giá 20,7 tỷ USD tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International. Hãng chiếm 20% thị phần đồ chơi búp bê, các mô hình nhân vật anh hùng, câu đố và các sản phẩm tương tự bán ra vào năm ngoái. Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Toys “R” Us trong khu vực chỉ chiếm 1,4% thị phần.
Ảnh minh họa. Nguồn: Luke Sharrett/Bloomberg |
Mục tiêu niêm yết là quá tham vọng?
Toys “R” Us cho biết, tăng trưởng tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương giúp hãng bù trừ hoạt động kinh doanh èo uột tại Mỹ và châu Âu tính đến cuối tháng 4 vừa qua. Đầu năm nay, hãng đã sáp nhập công ty con tại Nhật Bản với liên doanh đang điều hành chuỗi cửa hàng tại Trung Quốc và Đông Nam Á. Sau đợt thương vụ này, tổng số cửa hàng Toys “R” Us tại Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á đã lên đến con số 400.
Chủ sở hữu chuỗi bán lẻ đồ chơi này đã thảo luận khả năng niêm yết cổ phiếu của liên doanh châu Á ngay từ năm 2018. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định lộ trình này là quá tham vọng bởi những rắc rối liên quan đến vụ phá sản tại Mỹ vẫn chưa được giải quyết.
Nhóm công ty đại diện cho Toys “R” Us và chủ sở hữu gồm KKR & Co., Bain Capital và Vornado Realty Trust đều từ chối bình luận. Người phát ngôn của Fung Group cũng có động thái tương tự.
KKR, Bain và Vornado mua lại Toys “R” Us bằng vốn vay với mức giá 7,5 tỷ USD vào năm 2005. Cả ba từng đấu tranh đòi hủy bỏ đầu tư của họ vào Toys “R” Us khi chuỗi bán lẻ sở hữu đến 1.600 cửa hàng này nộp đơn xin bảo hộ phá sản trong bối cảnh cuộc chiến giá và cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ bán hàng trực tuyến khiến Toys “R” Us thua lỗ và mất khả năng trả nợ. KKR và Vornado đã hạ mức đầu tư của của họ tại chuỗi bán lẻ này xuống con số 0.
Toys “R” Us châu Á được thành lập vào năm 1986. Đối tác liên doanh Fung Group của hãng cũng là cổ đông lớn nhất của Li & Fung Ltd., nhà cung cấp cho các tập đoàn bán lẻ lớn của Mỹ, trong đó có Wal-Mart.