Sau mía đường, ngành tôm lại 'cầu cứu' do giá rớt thảm
Giá tôm nguyên liệu giảm mạnh, hai 'thái cực' của doanh nghiệp | |
Bộ NN-PTNT khuyến cáo nông dân không nên bán 'tôm non' | |
Xuất khẩu tôm sang EU sẽ có nhiều điểm sáng trong thời gian tới |
Trong tháng 5 giá tôm nguyên liệu giảm sâu gây tâm lý hoang mang trong người nuôi và có thể ảnh hưởng đến kế hoạch xuất khẩu năm 2018.
Trước tình trạng tên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn kiến nghị các giải pháp phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu tôm lên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường và Thứ trưởng Vũ Văn Tám.
Sau mía đường, ngành tôm lại "cầu cứu". Ảnh minh họa |
Theo đó, VASEP cho rằng để nâng tầm giá trị tôm Việt trên thương trường quốc tế, tôm Việt phải được nuôi sạch theo chuẩn quốc tế như ASC, BAP. Có như vậy, tôm Việt mới có cơ hội lên kệ trong các siêu thị lớn cao cấp, có giá tiêu thụ tốt và ổn định. Điều này đồng nghĩa, các hộ nuôi nhỏ lẻ không thể thực hiện được vì chi phí lớn. 95% tôm Việt được sản xuất từ ao nuôi nhỏ lẻ nên việc nuôi trồng trên cánh đồng lớn trở thành một nhu cầu cấp thiết và lâu dài.
“Như vậy, cần gấp những mô hình hợp tác hóa trong nuôi tôm cũng như các giải pháp mạnh mẽ cho việc tích tụ đất đai hình thành các trang trại nuôi tôm chuẩn mực quốc tế. Từ đó có hướng đi trong tái cơ cấu sản xuất nuôi tôm để có kết quả tốt hơn trong dài hạn”, VASEP cho hay.
Đồng thời, VASEP kiến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm các hoạt động ngoại giao cấp cao để Mỹ tháo gỡ nhanh các rào cản thương mại, nhất là việc áp thuế chống bán phá giá tôm. Đây là một trở ngại lớn cho sức cạnh tranh của tôm Việt Nam thời gian gần đây mặc dù công ty Minh Phú không bị áp thuế và đang chiếm gần 50% lượng tôm Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Hiện nay, tôm Việt Nam chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số tôm nhập khẩu vào Mỹ do những rào cản về áp thuế chống bán phá giá. Trong khi đó, thị phần của Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia lên tới 70%. Đặc biệt, chỉ tính riêng thị phần tôm Ấn Độ tại Mỹ đã chiếm 32%.
VASEP cho hay, qua tìm hiểu các nguồn thông tin không chính thức, hiện nay Trung Quốc đang chuyển qua mua nhiều hơn tôm Ấn Độ và Ecuador mà theo họ là có cỡ tôm lớn và giá rất rẻ. Do đó, VASEP kiến nghị Chính Phủ có biện pháp tăng cường kiểm soát hoạt động tạm nhập tái xuất tôm Ấn Độ và Ecuador qua Cảng Hải Phòng để vào Trung Quốc nhằm hạn chế tối đa tình trạng gian lận thương mại trong hoạt động này. Đề xuất này đồng thời nhằm kéo các khách hàng Trung Quốc quay trở lại mua tôm Việt Nam.
Với tình hình giá tôm giảm như hiện nay, VASEP đề xuất Chính Phủ, Bộ NN&PTNT có các chính sách hỗ trợ nhằm động viên các nhà cung cấp đầu vào có cơ chế mua bán cùng chính sách giá cả phù hợp cho người nuôi, giúp người nuôi vựơt qua các khó khăn hiện nay và ổn định giá thành nuôi tôm trong tương lai.
Theo Bộ Công Thương, giá tôm thẻ chân trắng giảm, loại 60 - 70 con/kg hiện chỉ còn ở mức 100.000 - 110.000 đồng/kg (trước đó giá hơn 120.000 đồng/kg); tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg giảm từ mức khoảng 90.000 đồng/kg xuống còn khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg. Giá tôm thẻ chân trắng giảm do ảnh hưởng bởi giá thế giới giảm, một số nước xuất khẩu tôm trên thế giới đã giảm giá bán để cạnh tranh. Giá tôm xuất khẩu của Việt Nam đã giảm tới 20% so với cuối năm ngoái nhưng vẫn khó bán vào thị trường Mỹ vì người mua nghĩ giá sẽ giảm nữa. Theo kế hoạch đề ra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngành tôm Việt Nam sẽ phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 15%/năm và giữ vị trí kim ngạch xuất khẩu hàng đầu trong ngành thủy sản Việt Nam. |
Xem thêm |