Sao lại buộc siêu thị phải giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet?
Cấm siêu thị giảm giá quá 3 lần 1 năm: Bộ cứ thích lo việc doanh nghiệp | |
Siêu thị đang dần mất nét riêng hấp dẫn |
Tiếp sau góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng vừa có ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối do Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công Thương soạn thảo.
Góp ý cụ thể vào tiêu chuẩn siêu thị có diện tích kinh doanh từ 250m2 đến dưới 10.000 m2, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng đây là quy định "không thực tế" và sẽ giới hạn quy mô hoạt động của doanh nghiệp bán lẻ.
"Theo chúng tôi, không nên quy định "trần" diện tích cho siêu thị. Trường hợp các siêu thị hiện tại lớn hơn 10.000m2 mà không đủ điều kiện được xếp vào trung tâm thương mại thì sẽ được phân loại vào loại hình nào" – Chủ tịch Đinh Thị Mỹ Loan thay mặt cho Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nêu ý kiến.
Một góc siêu thị Lotte Mart - Gò Vấp (TP HCM). Ảnh: Tấn Thạnh |
Về quy định siêu thị phải có "các dịch vụ giao hàng tận nhà, bán hàng qua internet, qua bưu điện, điện thoại", Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đề nghị bỏ bởi "bắt buộc như vậy là không thực tế, không nhất thiết siêu thị nào cũng phải có mà còn tuỳ thuộc vào cách kinh doanh của từng siêu thị".
Quy định "sử dụng các công ty địa phương tại Việt Nam đối với các dịch vụ liên quan đến pháp lý hoặc chuyên môn khác" cũng bị phản đối do "không phù hợp với tinh thần hội nhập và hạn chế quyền của siêu thị, trung tâm thương mại".
Tương tự, Hiệp hội đánh giá quy định phải phân bố ít nhất 30% gian hàng cho các sản phẩm có nguồn gốc từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cần phải xem xét lại trên căn cứ về tính phù hợp với các cam kết quốc tế và cân nhắc tỉ lệ phù hợp.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan còn góp ý "quy định siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ" là "can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp". "Quy định này ngược chiều với thông lệ quốc tế khi các định dạng bán lẻ lớn thường bị hạn chế về thời gian mở cửa, như không được mở quá sớm, đóng quá muộn…, để hỗ trợ cho các cửa hàng bán lẻ nhỏ, chợ truyền thống có điều kiện phát triển" – bà Loan nêu thêm.
Về khuyến mãi và quảng bá, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đề nghị không có quy định "cứng" mà cần linh hoạt, dành cho doanh nghiệp quyền tự quyết.
Về mục tiêu của dự thảo là phát triển và quản lý ngành phân phối, bao gồm: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hoá, hoạt động mua bán sáp nhập… Hiệp hội đánh giá mục tiêu này là "quá rộng" và "chưa thuyết phục". Hơn nữa, sự kết nối và mở rộng từ "chợ" ra toàn bộ "ngành phân phối" như trong dự thảo là khá gượng ép.
Cụ thể hơn, dẫn khái niệm được tham khảo từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hiệp hội này cho rằng "phân phối" là ngành dịch vụ bao gồm bán buôn, bán lẻ, nhượng quyền thương mại và đại lý. Tuy nhiên, dự thảo chưa có phân tích nào về toàn bộ hệ thống phân phối mà mới dừng ở hình thức chợ.
Bộ Công Thương nói gì?Trước các ý kiến góp ý, đại diện Bộ Công Thương giải thích đây chỉ là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi bộ thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét. "Khi đề xuất xây dựng dự thảo này, mục tiêu Bộ Công Thương đưa ra là khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, đồng thời đảm bảo tính kế thừa của các quy định còn phù hợp của các văn bản có liên quan. Từ đó, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập có liên quan; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế; bảo vệ người tiêu dùng" – đại diện bộ này phân trần và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện dự thảo. |
Xem thêm |