Sản phẩm nhựa nhập khẩu trên 80% từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản
Nhựa Bình Minh muốn hạch toán 49 tỷ đồng truy thu thuế vào quỹ đầu tư phát triển | |
Sản phẩm Nhựa An Phát xuất khẩu vào Mỹ không bị điều tra áp thuế chống bán phá giá |
Theo tính toán từ số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu sản phẩm nhựa vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2018 tăng 23,5% về kim ngạch so với 2 tháng đầu năm ngoái, đạt 872,15 triệu USD, chiếm 2,6% tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu các loại của cả nước. Riêng tháng 2/2018 kim ngạch đạt 360,85 triệu USD, giảm 29,5% về kim ngạch so với tháng 1/2018 và giảm 5,8% so với cùng tháng năm ngoái.
Việt Nam nhập khẩu sản phẩm nhựa nhiều nhất từ thị trường Trung Quốc, đạt 306,97 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, chiếm 35,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, tăng 35,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, trong tháng 2 nhập khẩu từ thị trường này lại sụt giảm mạnh 36,5% so với tháng đầu năm, chỉ đạt 119,34 triệu USD.
Thị trường cung cấp sản phẩm nhựa nhập khẩu lớn thứ 2 cho Việt Nam là Hàn Quốc, trong tháng 2 cũng giảm 29,7% về kim ngạch, đạt 115,76 triệu USD. Tính chung cả 2 tháng đầu năm, nhập khẩu sản phẩm nhựa từ Hàn Quốc đạt 280,25 triệu USD, chiếm 32,1% tỷ trọng, tăng 29,3% so với cùng kỳ.
Tiếp đến thị trường Nhật Bản đạt kim ngạch 120,41 triệu USD, chiếm 13,8%, tăng 9,7% so với cùng kỳ; Đài Loan 37,9 triệu USD, chiếm 4,3%, tăng 16,2%; Thái Lan 37,47 triệu USD, chiếm 4,2%, tăng 9,3%.
Sản phẩm nhựa có xuất xứ từ các nước Đông Nam Á nói chung nhập khẩu vào Việt Nam chiếm 7,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 64,14 triệu USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ.
Mặc dù, trong tháng 2/2018 nhập khẩu sản phẩm nhựa từ tất cả các thị trường đều bị sụt giảm so với tháng 1, nhưng tính chung trong cả 2 tháng đầu năm 2018 thì kim ngạch lại tăng ở đa số các thị trường, trong đó có 2 thị trường tăng mạnh trên 100% kim ngạch là Philippines và Thụy Điển. Cụ thể: nhập từ Philippines tăng 118,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước, đạt 4,6 triệu USD, nhập khẩu từ Thụy Điển tăng 108,6%, đạt 0,67 triệu USD.
Ngược lại, nhóm hàng này nhập khẩu sụt giảm mạnh từ các thị trường Hà Lan, Singapore và Canada, với mức giảm lần lượt 69,4%, 57% và 54,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.