'Săn đất vàng' qua thoái vốn nhà nước
Cuối năm ngoái, Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh bất động sản Khu Đông, cổ đông chiến lược của Tổng công ty Licogi đã có văn bản gửi tới Bộ Xây dựng đề xuất mua lại 40,71% phần vốn nhà nước tại Licogi.
Vào thời điểm cổ phần hóa năm 2015, Licogi hoạt động khá khởi sắc, có lãi và vị thế ngành cốt lõi là thi công hạ tầng các công trình ngầm còn ở mức tương đối. Kể từ sau cổ phần hóa, hoạt động của Tổng công ty èo uột.
Trong năm tài chính 2016, công ty mẹ Licogi đã phát sinh khoản lỗ sau thuế 293,4 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần trong năm âm 142 tỷ đồng và tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 803,52 tỷ đồng. Trên sàn UPCoM, thị giá Licogi hiện chỉ vào khoảng 6.000 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 40% so với giá trúng IPO hồi năm 2015.
Vậy tại sao Công ty Bất động sản Khu Đông lại tha thiết muốn tăng tỷ lệ sở hữu vào một công ty đang bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục?
Giới phân tích cho rằng, miếng bánh từ dự án Khu đô thị Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội với quy mô 35 ha có thể là lý do. Thông tin từ Licogi vào thời điểm IPO cho biết, dự án này đã giải phóng mặt bằng 80% diện tích và đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Nhưng do việc giải phóng mặt bằng đang ở tình trạng xôi đỗ nên Tổng công ty chưa thể triển khai hạ tầng, khai thác kinh doanh được.
Licogi đã từng bị nhắc nhở về việc để các dự án chậm tiến độ triển khai và nợ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. |
Một doanh nghiệp có nhiều quỹ đất đẹp khác là Sudico cũng ở trong diện Nhà nước sẽ thoái vốn toàn bộ. Hiện Tổng công ty Sông Đà sở hữu 36,65% vốn tại Sudico. Cổ đông lớn thứ hai là ông Đỗ Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty (trên giấy tờ), sở hữu 15,95% cổ phần.
Ông Hồ Sỹ Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Sudico trong một lần trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, nhiều khả năng nhóm nhà đầu tư do ông Bình làm đại diện sẽ mua lại phần vốn của Tổng công ty Sông Đà.
Trong tay Sudico vẫn còn một phần đất dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang sở hữu dự án Khu đô thị Văn La – Văn Khê, Khu đô thị Tiến Xuân, Khu đô thị phường Hòa Hải (Đà Nẵng…
Khi bên mua đã có thiện chí và cũng hiểu rõ "chân tơ kẽ tóc" của doanh nghiệp, vấn đề đặt ra là Nhà nước có nên thoái vốn cho những nhà đầu tư có sẵn nhiệt tâm này, hay sẽ triển khai các phương thức bán để những nhà đầu tư có cùng mối quan tâm có cơ hội tham gia.
Theo các quy định hiện hành, do Licogi và Sudico đều giao dịch cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung nên việc thoái vốn nhà nước có thể thực hiện theo phương thức bán thỏa thuận, tức là định danh được nhà đầu tư mua cổ phần, chứ không phải tổ chức bán đấu giá công khai qua các sở giao dịch chứng khoán như đối với phần vốn nhà nước của các doanh nghiệp chưa niêm yết cổ phần.
Song, để tối đa hóa giá trị đồng vốn nhà nước có thể thu được, theo quan điểm của tổng giám đốc một công ty chứng khoán, Nhà nước nên tổ chức chào bán rộng rãi phần vốn trên, có thể là phương thức bán thỏa thuận cạnh tranh. Bằng không, rất dễ xảy ra trường hợp ép giá như đối với lô cổ phần của Licogi khi hoạt động doanh nghiệp đang ở giai đoạn khủng hoảng.
Có thể do mức độ phức tạp của vấn đề mà Bộ Xây dựng trong văn bản trả lời Công ty Bất động sản Khu Đông đã “từ chối” khéo với lý do Licogi thuộc nhóm doanh nghiệp mà Bộ Xây dựng phải giữ nguyên tỷ lệ vốn nhà nước 40,71% và chuyển quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp này về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước.
SCIC sẽ thoái hết vốn VNSteel, TCT Licogi, Vinatex giai đoạn 2017 - 2020 Trong giai đoạn 2017 - 2020, SCIC sẽ tiến hành thoái vốn tại một loạt các doanh nghiệp lớn. Trong đó SCIC sẽ thoái hết ... |
Hà Nội, thu về 1.634 tỷ đồng từ thoái vốn Nhà nước Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 vừa ... |
Thoái vốn nhà nước: Trăn trở chuyện giữ thương hiệu Việt Habeco, Sabeco, Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Nhựa Tiền Phong, Dược Hậu Giang, Traphaco… những thương hiệu Việt giá trị nhất có đứng trước nguy cơ ... |