|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Samsung và Apple tiếp tục thống thị trường smartphone toàn cầu trong quý II, Xiaomi bắt đầu trượt dốc

15:54 | 20/07/2023
Chia sẻ
Tổng doanh số bán smartphone của các nhà sản xuất trên toàn cầu trong quý II đã giảm 8% so với cùng kỳ năm trước và giảm 5% so với quý I, đánh dấu quý thứ 8 liên tiêp sụt giảm.

Theo báo cáo mới nhất từ đơn vị theo dõi dữ liệu Counterpoint Research, hai ông lớn Samsung và Apple tiếp tục thống thị thị trường điện thoại thông minh (smartphone) trên toàn cầu trong quý II, đồng thời cũng là hai đơn vị dẫn đầu phân khúc điện thoại cao cấp dù tổng doanh số ngành smartphone trên toàn cầu chứng kiến quý sụt giảm thứ 8 liên tiếp.

Trong khi đó, đơn vị đứng thứ ba trên thị trường trong quý II là Xiaomi lại phải đối mặt với nhiều vấn đề tại hai thị trường lớn nhất của họ là Trung Quốc và Ấn Độ, theo South China Morning Post.

Cụ thể, tổng doanh số bán smartphone của các thương hiệu trên toàn cầu trong quý II đã giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời cũng giảm 5% so với quý đầu năm 2023.

Thị phần của các thương hiệu smartphone trên toàn cầu. (Nguồn: Counterpoint Research - Doanh Chính tổng hợp).

Samsung là đơn vị có doanh số bán hàng lớn nhất toàn ngành trong ba tháng qua, chiếm 22% thị phần, chủ yếu nhờ hiệu suất ổn định của dòng sản phẩm Samsung Galaxy A-Series. Dù vậy, tổng doanh số bán hàng của ông lớn Hàn Quốc trong kỳ cũng đã giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Apple, công ty lớn nhất thế giới với giá trị vốn hóa thị trường dao động ở mức 3.000 tỷ USD, là thương hiệu chiếm thị phần nhiều thứ hai trên thị trường smartphone toàn cầu trong ba tháng qua, ở mức 17%.

Dù tổng doanh số bán iPhone của Apple trên toàn cầu trong quý II đã giảm 2% so với cùng kỳ năm trước, song ông lớn có trụ sở tại Cupertino, California vẫn giữ được vị thế trên thị trường smartphone cao cấp.

Chính điều này đã giúp doanh số bán iPhone của Apple tại Ấn Độ, thị trường smartphone lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, tăng trưởng 50% trong quý II, một con số kỷ lục.

Hiệu suất bán hàng được giữ ở mức ổn định của Samsung và Apple đã nhấn mạnh rằng phân khúc smartphone cao cấp, được định nghĩa là những thiết bị có giá từ 600 USD trở lên, không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.

Theo Counterpoint Research, cứ 5 chiếc smartphone được bán ra trên thị trường trong quý II, có ít nhất một chiếc là smartphone cao cấp. Counterpoint Research cho biết đây là phân khúc duy nhất trên thị trường smartphone nói chung tăng trưởng trong quý II, trong khi những phân khúc khác đều chứng kiến đà lao dốc.

Thị trường điện thoại thông minh toàn cầu, theo Counterpoint Research, “dường như đã qua giai đoạn tăng trưởng nóng”. Counterpoint Research chỉ ra rằng nhiều người tiêu dùng ngày càng có xu hướng ít thay đổi thiết bị smartphone của họ khi nền kinh tế toàn cầu đang bất ổn, qua đó làm giảm nhu cầu đối với các thiết bị cầm tay tầm trung và tầm thấp.

Các thương hiệu Trung Quốc giảm thị phần

Ông lớn ngành smartphone Trung Quốc là Xiaomi vẫn giữ vị trí thứ ba về doanh số bán điện thoại thông minh trên toàn cầu trong quý II, chiếm 12% thị phần. Dù vậy, tổng doanh số bán hàng trên toàn cầu của Xiaomi trong ba tháng qua đã giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Counterpoin Research cho biết: “Thương hiệu Xiaomi đang tìm cách bù đắp sự sụt giảm doanh số bán hàng trong quý II bằng việc mở rộng sang các thị trường khác và bằng cách làm mới danh mục đầu tư của mình”.

Oppo, một thương hiệu khác của Trung Quốc bao gồm OnePlus, vẫn nắm giữ 10% thị phần trên thị trường smartphone toàn cầu trong quý II, mặc dù ghi nhận mức thua lỗ ở thị trường Tây Âu, theo Counterpoint.

Vivo, thương hiệu chiếm 8% thị phần trên thị trường smartphone toàn cầu trong quý II, đã chứng kiến đà tăng trưởng sụt giảm lớn ở thị trường Trung Quốc trong bối cảnh vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ Samsung. Counterpoint cho biết họ cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Oppo ở Ấn Độ và các thị trường Đông Nam Á.

Counterpoint Research cho biết lễ hội mua sắm lần thứ 618 của Trung Quốc vào ngày 18/6, sự kiện thương mại điện tử quan trọng thứ hai ở nước này sau Ngày Độc thân vào tháng 11, đã góp phần làm giảm đà sụt giảm trên thị trường smartphone của nước này trong quý II.

Dù vậy, do tổng mức chi tiêu của người tiêu dùng yếu khiến các nhà khai thác nền tảng bán lẻ hàng đầu của Trung Quốc, Taobao & Tmall Business Group của Alibaba Group Holding và JD.com, không báo cáo chi tiết số liệu tổng giá trị hàng hóa.

Các chuyên gia của Counterpoint Research dự đoán thị trường smartphone toàn cầu “sẽ phục hồi chậm trong các quý tới”. Đơn vị này cho biết các nhà cung cấp điện thoại thông minh nhiều khả năng tung ra các mẫu máy mới vào nửa cuối năm 2023, điều này có thể “thu hút người tiêu dùng thay thế và nâng cấp thiết bị của họ”.

Anh Nguyễn

Điểm tên nhóm cổ phiếu có khả năng hút tiền tháng 6
Tại hội thảo "Bắt mạch dòng tiền" ngày 30/5, các chuyên gia đã đánh giá bối cảnh thị trường chứng khoán hiện tại, nêu góc nhìn đầu tư và kể tên các nhóm ngành dự kiến thu hút dòng tiền trong thời gian tới.