Samsung chi 800.000 USD đào tạo cho 1.000 DN Việt thành nhà cung cấp linh kiện số 1
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh: Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Việt Nam đã phối hợp xây dựng chương trình đào tạo về quản lý sản xuất và quản lý chất lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. |
Đó là thông tin Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đưa ra trong báo cáo trình bày làm rõ một số vấn đề được đại biểu quốc hội nêu tại phiên thảo luận Quốc hội ngày 31/10 về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách nhà nước giai đoạn 2018 - 2020.
Về vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy gắn kết theo chuỗi giá trị của các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các Tập đoàn sản xuất lớn của nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Việt Nam đã có bước thành công ban đầu khi thu hút được các nhà đầu tư lớn trong nhiều lĩnh vực vào đầu tư và xây dựng tổ hợp sản xuất qui mô lớn tại Việt Nam. Đây là nền tảng quan trọng để phát triển lĩnh vực sản xuất chủ yếu của nước ta trong thời gian tới.
“Tuy nhiên, rõ ràng là rất cần có bước chủ động tiếp theo để phát huy được lợi thế này. Phải tận dụng cơ hội này để thúc đẩy các doanh nghiệp trong nước, trong đó có các doanh nghiệp khởi nghiệp, tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất cũng như hậu cần xung quanh các trụ cột này”, Bộ trưởng Công thương nói.
Bộ trưởng Công thương cũng thừa nhận, để làm được các điều trên thì cần vai trò của Chính phủ, trực tiếp nhất là Bộ Công Thương trong việc tạo ra cơ chế chính sách và môi trường thuận lợi để kích thích quá trình này, thúc đẩy tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia nhanh chóng vào các chuỗi giá trị này.
Bộ trưởng Trần Anh Tuấn đưa ra ví dụ, trong lĩnh vực điện tử, hiện nay, mới có khoảng 30 doanh nghiệp cung cấp linh kiện điện tử cho Samsung tại Việt Nam và đều là các doanh nghiệp FDI mà chưa có doanh nghiệp nội địa nào. Bên cạnh đó, trong nước mới có khoảng 25 doanh nghiệp nội địa là nhà cung ứng linh kiện cấp 1 cho Samsung.
Để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước vào hệ thống cung ứng của Samsung, Bộ Công Thương và Công ty TNHH Samsung Việt Nam đã phối hợp xây dựng chương trình đào tạo về quản lý sản xuất và quản lý chất lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đặc biệt là nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện tiềm năng cho Samsung.
Cụ thể, Samsung dự kiến đào tạo cho khoảng 1.000 doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2020 về quản lý sản xuất và quản lý chất lượng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này được tiếp cận và áp dụng các tiêu chuẩn quản lý sản xuất, quản lý chất lượng tiên tiến trên thế giới, với tổng kinh phí đào tạo khoảng 800.000 USD. Các doanh nghiệp tham gia đào tạo sau đó sẽ có thể được đánh giá để trở thành các nhà cung cấp linh kiện (cấp 2 hoặc cấp 1) tiềm năng cho Samsung điện tử Việt Nam.
Với các lĩnh vực khác, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ông Trần Anh Tuấn cho hay, Bộ Công Thương cũng đang tập trung xây dựng và triển khai các chương trình phối hợp tương tự để từng bước nâng cao năng lực của doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp kết nối thị trường và trở thành các nhà cung cấp linh kiện tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các ngành sản xuất công nghiệp lớn trên thế giới mà Việt Nam có điều kiện và lợi thế tham gia.
Sức khỏe nền kinh tế Việt Nam nhìn từ trường hợp Samsung
Các đại biểu Quốc hội đều ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ và các thành phần kinh tế đã đưa tăng trưởng GDP ... |