|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Samsung ảnh hưởng thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

16:25 | 18/06/2017
Chia sẻ
Quý I/2017, GDP tăng trưởng thấp nhất trong vài năm gần (chỉ tăng 5,21% so với cùng kỳ năm ngoái) và một trong những nguyên nhân cơ bản được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và không ít đại biểu Quốc hội đề cập tại nghị trường khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách mới đây, đó là sự cố của sản phẩm Samsung Galaxy Note 7. Vậy, Samsung đang có vai trò, sự ảnh hưởng thế nào đối với kinh tế Việt Nam?
samsung anh huong the nao den nen kinh te viet nam

Ảnh hưởng của Tập đoàn Samsung đến nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn.

Đầu tàu về xuất khẩu

Dù chưa có những đánh giá, thống kê cụ thể, đầy đủ, nhưng có thể thấy rằng vai trò, sự ảnh hưởng của Tập đoàn Samsung đến nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn.

Phát biểu tại cuộc thảo luận tổ ở Quốc hội mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết một trong những nguyên nhân chính khiến GDP tăng trưởng thấp liên quan đến sự cố điện thoại Galaxy Note 7. “Sự cố điện thoại Galaxy Note 7 nổ không ai mua, chất đầy kho, cũng làm thiệt hại khoảng 1 tỷ USD, tương đương 0,5% GDP”- Người đứng đầu Chính phủ nói.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng: Một nguyên nhân quan trọng làm cho GDP tăng thấp trong thời gian vừa qua là do Samsung thu hồi Galaxy note 7 và chuẩn bị tung ra sản phẩm mới.

Hết tháng 5/2017, trong tổng số hàng chục nghìn DN xuất nhập khẩu của cả nước, 3 doanh nghiệp dẫn đầu về trị giá kim ngạch đều thuộc Tập đoàn Samsung. Đó là, SEVT với tổng trị giá kim ngạch cao nhất đạt 14,94 tỷ USD, tăng 69,7% so với cùng kỳ năm trước; SEV có tổng trị giá kim ngạch đứng thứ 2 đạt 9,8 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2016; và thứ 3 là Công ty TNHH Samsung Display có tổng trị giá kim ngạch đạt 6,62 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2016.

“Tôi thấy rằng tháng 4, tháng 5 vừa rồi Samsung đã cải thiện được chỉ tiêu xuất khẩu mặt hàng này, nhưng điều này cho chúng ta thấy rằng chúng ta không nên để ảnh hưởng phụ thuộc rất lớn vào các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi vì, hiện nay trên 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”- chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh.

Thực tế, chỉ cần nhìn vào hoạt động xuất nhập khẩu của Tập đoàn Samsung liên quan đến 2 lĩnh vực chủ đạo là điện thoại và máy vi tính (máy tính bảng-PV) cũng có thể thấy được cơ bản vai trò chủ đạo của DN này đối với hoạt động xuất khẩu của nước ta.

Thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết tháng 5, 2 nhóm hàng trên đang giữ vị trí số 1 và thứ 3 về xuất khẩu với trị giá kim ngạch lần lượt là gần 16,3 tỷ USD và gần 9,4 tỷ USD, chiếm đến hơn 32% tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu cả nước. Và giữ vai trò chủ đạo ở cả 2 lĩnh vực trên đều là Tập đoàn Samsung.

Để có thể thấy rõ hơn ưu thể của Samsung, chúng ta có thể nhìn ở một khía cạnh như sau, ngành hàng dệt may trong cùng thời điểm trên, có trị giá kim ngạch đứng thứ 2, đạt 9,39 tỷ USD (chỉ hơn nhóm hàng máy vi tính 7 triệu USD) và thua xa nhóm hàng điện thoại. Nhưng để đạt được kết quả này, ngành hàng dệt may phải sử dụng đến khoảng trên 2 triệu lạo động, nhưng tổng số lao động trong các nhà máy của Samsung ở Việt Nam ít hơn rất nhiều chỉ dừng ở con số khoảng trăm nghìn người.

Trong một thông tin đáng chú ý khác liên quan đến Chương trình DN ưu tiên do Tổng cục Hải quan thực hiện. Đây là Chương trình dành cho các DN có hoạt động xuất nhập khẩu lớn, có uy tín, doanh nghiệp công nghệ cao… Và trong tổng số 60 DN đang được công nhận hiện nay, riêng Tập đoàn Samsung có tới 7 thành viên, là tập đoàn có số lượng được công nhận nhiều nhất với nhiều tên tuổi lớn như: Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (KCN Yên Phong, Bắc Ninh); Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT)…

Trong một thông tin liên quan, theo Tổng cục Hải quan, hết tháng 5/2017, trong tổng số hàng chục nghìn DN xuất nhập khẩu của cả nước, 3 doanh nghiệp dẫn đầu về trị giá kim ngạch đều thuộc Tập đoàn Samsung. Đó là, SEVT với tổng trị giá kim ngạch cao nhất đạt 14,94 tỷ USD, tăng 69,7% so với cùng kỳ năm trước; SEV có tổng trị giá kim ngạch đứng thứ 2 đạt 9,8 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2016; và thứ 3 là Công ty TNHH Samsung Display có tổng trị giá kim ngạch đạt 6,62 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Thay đổi vị thế địa phương

Không chỉ tác động rõ nét trên bình diện cả nước, sự xuất hiện của Samsung cũng đã làm thay đổi cục diện trong cơ cấu hoạt động xuất nhập khẩu của các địa phương nước ta.

Trước khi có sự xuất hiện của Samsung, Bắc Ninh và Thái Nguyên là những địa phương chưa có “tên tuổi” trên bản đồ xuất nhập khẩu của cả nước. Nhưng từ khi Samsung đặt nhà máy và đi vào sản xuất, 2 địa phương này luôn ở nhóm dẫn đầu về xuất nhập khẩu khi kim ngạch chỉ từ vài trăm triệu USD/năm đã vọt lên hàng chục tỷ USD/năm, và vượt qua nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp như Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai…

Như Thái Nguyên, thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, hết tháng 5/2017, địa phương này đứng thứ 2 về xuất khẩu với trị giá kim ngạch đạt gần 10,2 tỷ USD, chỉ đứng sau TP.HCM và Bắc Ninh đứng thứ 3 với trị giá kim ngạch gần 10 tỷ USD, vượt xa các địa phương kế tiếp hàng tỷ USD (Bình Dương ở vị trí thứ tư mới đạt 8,2 tỷ USD).

Bà Nguyễn Thị Thanh Hảo- Trưởng Phòng quản lý xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế quốc tế (Sở Công Thương Thái Nguyên) cho hay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực ở Thái Nguyên là điện thoại, linh kiện điện thoại, máy tính bảng của Tập đoàn Samsung…

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, sự lên ngôi ngoạn mục trong hoạt động xuất khẩu của Thái Nguyên những năm gần đây chính là nhờ hiệu quả trong hoạt động đầu tư của Tập đoàn Samsung.

“Các lĩnh vực xuất khẩu truyền thống của địa phương cũng có sự cải thiện, tăng trưởng nhưng không thể tạo được sự đột phá như vừa qua nếu không có sự góp mặt của Tập đoàn Samsung”- lãnh đạo Phòng quản lý xuất nhập khẩu và Hội nhập kinh tế quốc tế, chia sẻ.

Bắc Ninh cũng là một trường hợp tương tự, thậm chí còn đi trước cả Thái Nguyên. Tuy nhiên, trong những tháng vừa qua, trong khi Thái Nguyên vẫn duy trì được vị thế xuất siêu thì Bắc Ninh đang bị thâm hụt về thương mại, và sự thâm hụt này cũng chịu sự tác động lớn từ hoạt động của Samsung.

Trao đổi với chúng tôi ông Vũ Đức Quyết- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc nhập siêu vừa qua xuất phát từ hoạt động nhập khẩu máy móc thiết bị phục vụ các dự án đầu tư trên địa bàn, nhất là việc mở rộng dự án tại Bắc Ninh của Tập đoàn Samsung.

Một thông tin đáng chú ý khác, hết tháng 5/2017, Hàn Quốc đã vượt Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc) chiếm tới 14,7% tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước. Đồng thời, quốc gia này cũng vượt Trung Quốc để trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam (nhập siêu từ Trung Quốc chỉ là 11,5 tỷ USD, trong khi từ Hàn Quốc là gần 13 tỷ USD). Và dĩ nhiên, vai trò của Tập đoàn Samsung cũng rất lớn để tạo ra sự thay đổi này.

Thái Bình