Sacombank và chi phí cơ hội
VAMC, thông qua sự ủy quyền của NHNN, đang là cổ đông chi phối tại Sacombank với tỷ lệ nắm giữ trên 51% cổ phần. Ảnh: Mai Lương |
Ở đây xin nhấn mạnh hiện Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thông qua sự ủy quyền của NHNN, đang là cổ đông chi phối tại Sacombank với tỷ lệ nắm giữ trên 51% cổ phần.
Thu nhập lãi thuần từ huy động - cho vay giảm mạnh
Theo báo cáo tài chính hợp nhất 2016 đã kiểm toán đến ngày 31-12-2016 tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại Sacombank là 291.653 tỉ đồng (trang 50), trong khi dư nợ cho vay khách hàng và cho thuê tài chính là 198.860 tỉ đồng (trang 36). Như vậy tỷ lệ cho vay trên huy động là 68,2%, khá thấp so với mức bình quân 85-95% của hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Sacombank có 92.793 tỉ đồng để đảm bảo thanh khoản và dự trữ bắt buộc theo quy định của NHNN. Đây là số tiền thuộc loại lớn nhất hệ thống đối với một ngân hàng. Để đạt hiệu quả kinh doanh, không ngân hàng nào để vốn huy động dư thừa với quy mô như vậy. NHNN cho phép các tổ chức tín dụng huy động được 10 đồng vốn được cho vay tới 8 đồng.
Nếu ở trường hợp tương tự Sacombank, các ngân hàng sẽ ngay lập tức hạ lãi suất đầu vào để giảm vốn huy động, không để vốn “nằm không”. Sacombank đã không làm như vậy. Sacombank ngược lại duy trì lãi suất tiền gửi để duy trì số dư vốn huy động cao. Hậu quả tất yếu thu nhập từ nghiệp vụ chính huy động - cho vay giảm. Tại trang 62, thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đến cuối năm ngoái ghi nhận 17.868 tỉ đồng, chi phí lãi và các chi phí tương tự là 13.848 tỉ đồng, tính ra lãi thuần từ tín dụng chỉ còn 4.020 tỉ đồng so với mức 6.575 tỉ đồng của năm 2015. Sự sụt giảm lãi thuần từ nghiệp vụ chính này chắc chắn thuộc hàng cao trong các ngân hàng!
Nợ thật
Lãi dự thu cho vay khách hàng đến ngày 31-12-2016 của Sacombank là 20.387 tỉ đồng. Lãi dự thu mà chưa thu được lớn tới chừng ấy, thử hỏi nợ gốc chưa thu được là bao nhiêu và bao nhiêu phần trăm nợ gốc đã thành nợ xấu?
Không khó để hiểu vì sao Sacombank để lượng vốn lớn “nằm không” một khi nhìn vào những chỉ số tài chính khác của ngân hàng. Ở trang 35, nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 (tức nợ xấu) của Sacombank tổng cộng 13.745 tỉ đồng. Tại trang 41-42 (trong mục chứng khoán đầu tư) Sacombank có 37.300 tỉ đồng trái phiếu đặc biêt do VAMC phát hành tức ngân hàng đã bán cho VAMC ít nhất chừng ấy nợ (giá mua nợ của VAMC tối đa bằng giá trị khoản nợ và trong không ít trường hợp là thấp hơn - NV). Trang này chỉ rõ năm 2015 Sacombank bán cho VAMC 7.619 tỉ đồng nợ, nhưng giá trị bán năm 2016 tăng vọt lên 23.471 tỉ đồng, gấp 3,1 lần.
Để so sánh cụ thể, tổng số nợ VAMC mua vào cả năm 2016 từ các ngân hàng chỉ hơn 30.000 tỉ đồng, nghĩa là phần lớn nợ VAMC mua năm ngoái là từ Sacombank. Tính cả số bán cho VAMC và nợ xấu hiện hành, tổng nợ xấu của Sacombank tới 51.045 tỉ đồng.
Một chỉ số khác không nằm ngoài sự chú ý của giới đầu tư, cổ đông và cơ quan quản lý được trình bày ở trang 49-50, theo đó Sacombank có các khoản phải thu trị giá 16.504 tỉ đồng. Thuyết minh báo cáo tài chính tại đây ghi hai khoản to nhất là “tài sản nhận cấn trừ nợ” gần 8.000 tỉ đồng và “các khoản phải thu từ các hợp đồng mua và cam kết bán lại chứng khoán” trị giá hơn 4.500 tỉ đồng.
Về các khoản lãi, phí phải thu đến cuối năm ngoái Sacombank còn 25.336 tỉ đồng (trang 50). Báo cáo tài chính giải thích chi tiết trong số trên “bao gồm lãi dự thu cho vay khách hàng đến ngày 31-12-2016 là 20.387 tỉ đồng, được NHNN cho phép khoanh lại và phân bổ dần vào chi phí hoạt động kinh doanh của ngân hàng theo năng lực tài chính trong thời hạn tối đa 10 năm theo đề án tái cơ cấu do ngân hàng xây dựng”. Lãi dự thu mà chưa thu được lớn tới chừng ấy, thử hỏi nợ gốc chưa thu được là bao nhiêu và bao nhiêu phần trăm nợ gốc đã thành nợ xấu?
Mặc dù nợ xấu, các khoản phải thu, các khoản lãi, phí phải thu cao như vậy, nhưng số dư trích lập dự phòng rủi ro chung tín dụng cuối năm ngoái của Sacombank có 4.238 tỉ đồng (trang 38) trong đó dự phòng cho trái phiếu của VAMC là 1.650 tỉ đồng. Ở trang 40 người đọc có thể nhìn thấy mục “tình hình trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành” với số trích lập 1.170 tỉ đồng năm 2015 và chỉ có 271 tỉ đồng cho năm 2016.
Ở trang 44 có một chi tiết không thể bỏ qua, đó là khoản mục “14.1 : đầu tư dài hạn khác” vào các tổ chức kinh tế đã niêm yết, chưa niêm yết tổng cộng 880 tỉ đồng và đã trích lập dự phòng giảm giá 360 tỉ đồng, nên giá trị còn lại là 520 tỉ đồng. Theo thuyết minh, đây là hai khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phương Nam và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh.
Khoản đầu tư gốc vào Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI) trị giá gốc 439 tỉ đồng, tương đương 13% vốn điều lệ công ty. Sacombank đã trích lập đầy đủ dự phòng khoản đầu tư này. BCI là doanh nghiệp niêm yết trên sàn TPHCM, vốn là công ty nơi trước đây ông Trầm Bê tham gia vào hội đồng quản trị. Vì sao Sacombank không thoái vốn khoản này qua sàn hay bán thỏa thuận (đấu giá) căn cứ vào giá trên sàn để có nguồn giảm bớt nợ xấu mà lại để đầu tư dài hạn?
Liệu những khoản đầu tư dài hạn ngoài ngành vào lĩnh vực bất động sản như thế có thực sự cần thiết cho một ngân hàng nơi nợ xấu đang ở mức cao?
Chi phí cơ hội
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của Sacombank lại được dời sang ngày 30-6-2017 như thông báo mới đây của ngân hàng trên trang web. Khi đề án tái cơ cấu đã được cơ quan quản lý chấp thuận, mấu chốt còn lại ở Sacombank là cơ cấu nhân sự hội đồng quản trị.
Trao đổi với người viết về nhân sự của Sacombank, một quan chức cấp cao NHNN đề cập hai ý. Thứ nhất, những ai có vi phạm sẽ phải ra đi (rời hội đồng quản trị - NV). Thứ hai, quan trọng là phải tìm được những người thay thế có khả năng và kinh nghiệm xử lý tài sản (tài sản thế chấp các khoản vay, chủ yếu là bất động sản và một tỷ lệ không nhỏ là cổ phiếu như trường hợp BCI nói trên) dưới sự giám sát của cơ quan quản lý.
Cho đến nay các nhóm nhà đầu tư cả trong và ngoài nước muốn được tham gia tái cấu trúc Sacombank vẫn đang “xếp hàng” chờ đợi. Đại diện NHNN đề cập đến khó khăn trong việc xác minh nguồn vốn đầu tư. Nhà đầu tư trong nước liệu có được bao nhiêu tiền tươi thóc thật trong khi nguồn vốn mà Sacombank cần để thực hiện tái cơ cấu không phải chỉ mấy ngàn tỉ đồng, mà phải nhiều hơn? Xác minh vốn của nhà đầu tư nước ngoài cũng không dễ. Đối tác là các tập đoàn Âu, Mỹ đấy, nhưng liệu vốn của họ có huy động từ châu Âu, châu Mỹ hay là tiền ủy thác đầu tư của ai đó cho họ? Nếu là vốn ủy thác đầu tư, vài năm sau họ chuyển nhượng lại cho đối tác khác, khi đó giải quyết thế nào? Câu hỏi hóc búa!
Và cốt yếu hơn, điểm yếu nợ xấu nhiều lại đồng thời là điểm mạnh của Sacombank. Với những ngân hàng khác, chủ cũ chuyển nhượng cổ phần, có được cục tiền mang ra, chủ mới trả một cục tiền, tiếp quản ngân hàng, có thể phải bỏ thêm tiền nữa để tái cơ cấu. Sacombank không như vậy. Những người chủ hiện hành, kể cả VAMC hiện nay, khi chuyển nhượng cổ phần cho dù tỷ lệ cao thấp, không được lấy tiền ra, mà phải trả cho ngân hàng để xử lý nợ. Xử lý sở hữu chéo cũng phải để giảm nợ xấu, bán cổ phần cũng phải để trừ nợ, thanh lý tài sản phải để thu hồi nợ... Sacombank phải ưu tiên giải quyết nợ trước.
Do đó người mua, hay những người chủ mới của Sacombank bỏ tiền ra, nhưng tiền ấy lại nằm lại ở Sacombank và tiền ấy được sử dụng cho tái cấu trúc. Người mua trở thành ông chủ ngân hàng mà tiền bỏ ra mua không mất đi, vẫn ở ngân hàng. Họ không mất gì ngoài chi phí cơ hội của đồng vốn đầu tư. Chi phí cơ hội ấy là thay vì sinh lợi ngay, đồng vốn bỏ ra có thể 3-4 năm hoặc 5-7 năm sau mới mang lại lợi nhuận tùy vào biến động thị trường mà lộ trình xử lý nợ xấu tại Sacombank phụ thuộc rất lớn.
Sacombank sẽ còn là tâm điểm của thị trường mà phạm vi một bài viết không cho phép đưa vào quá nhiều thông tin!n