|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Reuters: Nợ doanh nghiệp toàn cầu sẽ tăng thêm 1.000 tỉ USD vì COVID-19

17:18 | 13/07/2020
Chia sẻ
Tổng nợ doanh nghiệp trên toàn cầu dự kiến sẽ cán mốc 1.000 tỉ USD trong năm nay, khi các công ty cố gắng củng cố tiềm lực tài chính để chống lại những ảnh hưởng tiêu cực từ COVID-19.
Reuters: Tổng nợ doanh nghiệp toàn cầu tăng 1.000 tỉ USD vì COVID-19 - Ảnh 1.

Một nhà đầu tư điều chỉnh khẩu trang của mình tại sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 28/5/2020. Ảnh: Reuters.

Hãng tin Reuters công bố báo cáo nghiên cứu được thực hiện đối với 900 doanh nghiệp trên toàn cầu cho thấy, các công ty trên thế giới sẽ ghi nhận thêm 1.000 tỉ USD nợ mới trong năm 2020, khi họ cố gắng tăng cường khả năng tài chính để chống lại tác động từ COVID-19.

Sự gia tăng chưa từng có nói trên sẽ đưa tổng nợ doanh nghiệp toàn cầu tích luỹ qua các năm lên con số 9.300 tỉ USD - khiến các công ty nợ nhiều nhất thế giới có số nợ tương đương Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của một quốc gia có qui mô nền kinh tế ở mức trung bình.

Năm ngoái, nợ doanh nghiệp toàn cầu cũng chứng kiến mức tăng mạnh 8%. Nguyên nhân được chỉ ra là từ các vụ sáp nhập và mua lại, khi các công ty cần tiền vay để mua cổ phiếu và cổ tức.

Tuy nhiên, sự tăng vọt mức nợ năm nay lại đến từ một lí do khác, đó là COVID-19 làm suy giảm lợi nhuận doanh nghiệp.

"Đại dịch COVID-19 đã thay đổi mọi thứ", chuyên gia Seth Meyer, người quản lí danh mục đầu tư tại Janus Henderson nói. Đơn vị này đan biên soạn phân tích cho một chỉ số nợ doanh nghiệp mới.

"Vấn đề hiện tại là bảo toàn nguồn vốn và xây dựng bảng cân đối kế toàn vững chắc", vị chuyên gia chia sẻ thêm.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5, các doanh nghiệp đã huy động được 384 tỉ USD từ thị trường trái phiếu và Mayer ước tính rằng trong những tuần gần đây đã ghi nhận kỉ lục mới về phát hành trái phiếu từ các doanh nghiệp có lợi suất trái phiếu cao với mức xếp hạng tín dụng thấp.

Các thị trường cho vay đã đóng cửa với hầu hết các doanh nghiệp trong tháng 3, trừ các công ty đáng tin cậy. Tuy nhiên, thị trường này đã mở cửa trở lại trước những chương trình mua trái phiếu doanh nghiệp khẩn cấp từ các ngân hàng trung ương như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ).

Các công ty có mặt trong chỉ số nợ doanh nghiệp mới có số nợ cao hơn 40% so với năm 2014, với mức tăng về số nợ vượt xa mức tăng trưởng lợi nhuận.

Lợi nhuận trước thuế đối với nhóm 900 doanh nghiệp nói trên đã tăng 9,1% lên 2.300 tỉ USD.

Tỉ lệ nợ trên tổng nguồn vốn đã đạt mức kỉ lục 59% vào năm 2019, trong khi tỉ lệ lợi nhuận dành cho việc trả lãi cũng tăng lên một mức cao mới.

Tính đến thời điểm hiện tại, số doanh nghiệp Mỹ đã chiếm gần một nửa tổng số nợ doanh nghiệp trên toàn cầu, với mức 3.900 USD và chứng kiến mức gia tăng nợ nhanh nhất trong vòng 5 năm qua so với bất kì nền kinh tế nào khác. Ngoại trừ Thuỵ Sĩ, nơi đã ghi nhận một làn sóng các thương vụ M&A lớn trong những năm qua.

Đứng ở vị trí thứ hai là các công ty tại Đức, với khoản nợ 762 tỉ USD. Ba tập đoàn của nước này cũng nằm trong số các doanh nghiệp nợ nhiều nhất thế giới. Danh hiệu "chúa chổm" thuộc về Volkswagen với khoản nợ lên tới 192 tỉ USD.

Ngược lại, 1/4 doanh nghiệp có tên trong chỉ số nợ mới hoàn toàn không có nợ và đang dự trữ một số lượng tiền mặt rất lớn. Lớn nhất trong số này là 104 tỉ USD tiền mặt thuộc về Alphabet, công ty mẹ của Google.

Chuyên gia Mayer cho biết, thị trường tín dụng vẫn còn một số cách để quay trở lại các điều kiện thời tiền COVID-19. Và mối đe doạ liên tục của COVID-19, đặc biệt là sự gia tăng gần đây đối với các trường hợp nhiễm bệnh tại Mỹ vẫn đang là mối quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư.

Thiên Trường