RCEP có thay thế được TPP?
Mới đây, các quan chức cấp cao từ 16 quốc gia trong khu vực tham gia đàm phán RCEP đã bắt đầu vòng thương lượng mới tại Kobe (Nhật Bản), thảo luận về sáng kiến tự do thương mại khu vực. Quá trình đàm phán diễn ra trong giai đoạn đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump giữ lời hứa với cử tri và chính thức tuyên bố rút khỏi TPP. Do đó, hiệp định này trên lý thuyết đã mất giá trị bởi Mỹ chiếm hơn 50% tổng số GDP của tất cả các quốc gia thành viên. Trong khi đó, theo quy định, TPP chỉ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước thành viên với 85% GDP phê duyệt. Do vậy, với sự tham gia của 7 nước trong TPP thì rõ ràng RCEP đang có nhiều hy vọng để thay thế cho hiệp định này. Về cơ cấu, RCEP có 16 thành viên, bao gồm 10 nước ASEAN và các nước đối tác là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Bắt đầu đàm phán từ năm 2013, mục đích của RCEP là thiết lập mối hợp tác kinh tế sâu sắc hơn giữa khối ASEAN và các nước đối tác, trong đó tập trung vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.
Trên thực tế, theo các chuyên gia kinh tế, dù mục tiêu của RCEP không “bao trùm” như TPP nhưng lại có những điểm mà TPP không có được. Đó là sự kết nối giữa hai quốc gia đông dân hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ, hay giữa hai nền kinh tế hàng đầu Châu Á là Trung Quốc và Nhật Bản. Sự liên kết này chắc chắn sẽ tạo điều kiện phát triển thương mại giữa các quốc gia Châu Á, đem lại một sự tăng trưởng đáng kể cho tất cả quốc gia thành viên. Nếu đạt được, RCEP sẽ tạo ra khu vực kinh tế chiếm gần 30% giá trị thương mại toàn cầu.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến triển vọng của RCEP, đó là quyết tâm của Trung Quốc - nước dẫn dắt hiệp định này. Các chuyên gia cho rằng, một RCEP không có sự tham gia của Mỹ là bước đi mà Trung Quốc đặt trọng tâm trong lộ trình gia tăng ảnh hưởng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đến thời điểm hiện nay, khi TPP đang đứng trước nguy cơ phá sản, Bắc Kinh chắc chắn sẽ thúc đẩy để hoàn thành sớm thỏa thuận thương mại mới đang có nhiều triển vọng.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một số nhà phân tích kinh tế, RCEP không có khả năng thay thế hoàn toàn cho TPP bởi những điểm khác biệt giữa hai hiệp định này. Sự khác nhau lớn nhất là việc áp đặt tiêu chuẩn hoạt động thương mại. Không như TPP được coi là một hiệp định thế hệ mới yêu cầu sự đồng nhất chặt chẽ giữa các nước thành viên và có "chất lượng cao", RCEP có các tiêu chuẩn thấp hơn và chấp thuận việc các nước thành viên đặt các rào cản không đồng nhất. Nói cách khác, RCEP “hẹp” hơn TPP, đơn thuần hạ thấp thuế quan và thiếu một số “mục tiêu cao cả”, bao gồm bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường, chống tham nhũng... Do vậy, RCEP có thể tạo ra một số động lực thúc đẩy giao thương nhưng sự gia tăng sẽ đến chủ yếu dưới dạng các dòng thương mại, sự biến chuyển về “chất lượng” sẽ không nhiều. Về điều này, RCEP không thể so sánh với TPP.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng chưa thực sự bị thuyết phục bởi RCEP do những trở ngại khác nhau. Rõ thấy nhất là Ấn Độ và Nhật Bản. Sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc cũng là yếu tố không thể bỏ qua. Do vậy, RCEP chắc chắn sẽ phải gặp một số trở ngại từ phía Ấn Độ vì nhiều nhà sản xuất và các doanh nghiệp nước này sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh rất khốc liệt từ các nhà xuất khẩu Trung Quốc. Còn đối với Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe đã nhiều lần lưu tâm đến việc Bắc Kinh mở rộng kiểm soát thương mại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, rõ ràng sự sụp đổ của TPP đang mang lại thời cơ cho RCEP và niềm hy vọng cho các quốc gia theo đuổi thương mại tự do, cho dù vẫn còn quá sớm.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/