|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Rào cản pháp lý, Fintech Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng

06:42 | 21/07/2017
Chia sẻ
Cơ quan thường trực Fintech cho rằng, pháp lý, hoàn thiện hệ sinh thái và đề xuất phương thức quản lý Fintech tại Việt Nam là rất quan trọng.

Ngày 20/7, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh – Trưởng Ban chỉ đạo Fintech NHNN chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo Fintech NHNN lần thứ nhất.

Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng, thời gian qua, gắn với lĩnh vực ngân hàng, chủ yếu là Fintech trong lĩnh vực thanh toán. Hiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của các công ty Fintech chỉ là những quy định đơn giản, ban đầu. Do đó thời gian tới, NHNN phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động của các công ty này.

Ông Nghiêm Thanh Sơn – Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Fintech NHNN cho hay, các chuyên gia nước ngoài, các doanh nghiệp Fintech và tổ chức tài chính ngân hàng đánh giá Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng cho sự phát triển của lĩnh vực Fintech.

rao can phap ly fintech viet nam chua phat trien nhu ky vong
Ảnh minh họa.

Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể gồm cơ quan quản lý, các định chế tài chính, công ty Fintech và các doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư, hạ tầng tài chính, viễn thông...

Lĩnh vực Fintech ở Việt Nam còn khá mới mẻ dù các công ty trung gian thanh toán đã xuất hiện vào năm 2008. Thị trường đang có hơn 40 công ty hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó phần lớn tập trung vào mảng thanh toán (chiếm gần 60%).

2/3 các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến; cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS; chuyển tiền… Ngoài ra, thị trường Fintech Việt Nam còn có một số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác như gọi vốn cộng đồng, dịch vụ cho vay trực tuyến…

Mô hình hoạt động Fintech trong thời gian qua chủ yếu là mô hình hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng. Hiên nay, tất cả các công ty trung gian thanh toán được NHNN cấp giấy phép hoạt động đều phối hợp với ngân hàng để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng do khung pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ. Cơ quan thường trực Fintech cho rằng, pháp lý, hoàn thiện hệ sinh thái và đề xuất phương thức quản lý Fintech tại Việt Nam là rất quan trọng.

Không thể phủ nhận vai trò của Fintech trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. NHNN có vai trò xúc tác tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho hoạt động của Fintech tại Việt Nam

Theo đó, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh yêu cầu cơ quan thường trực là Vụ Thanh toán tiếp tục nghiên cứu, nêu bật được thực trạng của Fintech tại Việt Nam, về số lượng, mô hình hoạt động, lĩnh vực hoạt động, kết quả hoạt động của các công ty Fintech. Đặc biệt, nêu rõ đặc điểm ở Việt Nam, ưu điểm của Fintech tại Việt Nam, nguy cơ rủi ro tiềm ẩn của các công ty Fintech ở Việt Nam, từ đó đề xuất, đưa ra quan điểm, định hướng, kế hoạch của NHNN trong thời gian tới đối với lĩnh vực Fintech.

Ngoài ra, tất cả các thành viên Ban Chỉ đạo thống nhất quan điểm về lĩnh vực này. Trên cơ sở đó sẽ xuất bản cuốn sách để có sự thống nhất, hiểu biết về Fintech và hành động.

Cơ quan thường trực xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo. Những đề xuất nghiên cứu cần được đẩy nhanh, hoàn thành sớm.

Thảo Nguyên

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.