Quy định đấu giá 89.500 tấn đường nhập khẩu năm 2017
Quy định đấu giá 89.500 tấn đường nhập khẩu năm 2017 (Ảnh minh họa) |
Theo thông tư, đối tượng áp dụng là các thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện. Các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc nhập khẩu đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2017.
Việc đấu giá được thực hiện thông qua Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017.
Nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản thực hiện theo quy định về pháp luật bán đấu giá phù hợp với tính chất tài sản bán đấu giá.
Cũng theo Thông tư, Bộ Công Thương thành lập Hội đồng đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017 và Chủ tịch Hội đồng sẽ ban hành Quy chế đấu giá thí điểm.
Sau khi có báo cáo kết quả đấu giá, Bộ Công Thương có văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường cho thương nhân trúng đấu giá.
Ngoài ra khi làm thủ tục nhập khẩu đường, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, thương nhân phải xuất trình văn bản thông báo giao quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường của Bộ Công Thương với Chi cục Hải quan cửa khẩu.
Trước đó, hiệp hội Mía đường Việt Nam có kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương ban hành cơ chế đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2017. Theo đó, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo cam kết WTO năm nay sẽ là 89.500 tấn.
Tháng 9/2016, Bộ Công Thương đã từng tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường theo hai phương thức là đấu giá thí điểm và phân giao hạn ngạch, có 85.000 tấn đường đã được đấu giá.
Theo Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và nghề muối, so với cùng kỳ năm trước giá đường năm nay tăng 1.500 – 2.500 đồng/kg. Cụ thể, tính đến cuối tháng 3, giá bán buôn đường kính trắng loại 1 tại các nhà máy ở Miền Bắc dao động từ 15.500 – 17.000 đồng/kg, Miền Trung Tây Nguyên 15.500 – 16.000 đồng/kg, Miền Nam từ 16.300 – 17.200 đồng/kg. Nguyên nhân là vụ mía 2016 - 2017, một số nhà máy đường khu vực miền Trung và Tây Nguyên gặp nhiều bất lợi do trễ thời vụ. Ở nhiều địa phương, do mưa lũ bất thường, vùng mía đến kỳ nhưng không thể thu hoạch khiến nhà máy thiếu nguyên liệu, gây ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp và thu nhập của người trồng mía. Cũng theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhiều nhà máy đường ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đến vụ ép nhưng chỉ được thời gian ngắn phải dừng hoạt động, không thể thu mua được mía của người dân. Nhiều nhà máy còn bị trễ lịch ép vào vụ ép muộn hơn so với các vụ trước. |